Luật Phá sản (sửa đổi):

Ngân hàng Nhà nước kiểm soát phá sản tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước kiểm soát phá sản tổ chức tín dụng
TP - Đó là nội dung mới nhất được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu tại Phiên họp 24 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 15/1.

Thay mặt Ủy ban Kinh tế, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, Có ý kiến cho rằng, cần quy định riêng thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng vì việc phá sản đối với tổ chức tín dụng có tính đặc thù, liên quan người gửi tiền, có thể dẫn đến phản ứng dây chuyền, ảnh hưởng nền kinh tế quốc dân.

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đã phối hợp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung một số nội dung theo hướng quy định về quyền, nghĩa vụ nộp đơn, thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; hoàn trả khoản vay đặc biệt; xử lý tài sản ủy thác; các giao dịch trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt liên quan phá sản tổ chức tín dụng và tách thành một chương riêng (Chương VIII) trong dự thảo Luật. 

“Theo đó, tòa án chỉ thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với các tổ chức tín dụng sau khi có kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng thời áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ phá sản tổ chức tín dụng”, ông Giàu nêu rõ.

Tòa cấp huyện có thể cho phá sản

Theo Ủy ban Kinh tế, đa số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật chỉ giao cho tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản. 

Ủy ban này cho rằng, thủ tục giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản là thủ tục đòi nợ tập thể, là loại vụ việc phức tạp, đòi hỏi thẩm phán phải là người có chuyên môn sâu. Với cơ cấu thẩm phán chuyên trách của tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh như hiện nay cũng như trong tương lai, việc giải quyết phá sản nên giao cho tòa án cấp tỉnh là phù hợp.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và một số đại biểu khác cho rằng, xu hướng hiện nay là tăng thẩm quyền xét xử ở cấp khu vực, cấp huyện. “Dự luật có vẻ đi ngược lại, làm giảm thẩm quyền cấp huyện, vừa không phù hợp thực tiễn, vừa không đúng xu hướng. Phá sản làm gì phải đưa lên tỉnh, vì huyện cũng có thể làm được, không nên làm khổ dân, doanh nghiệp”, ông Hiện nói. Tán thành quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, có thể giao thẩm quyền giải quyết phá sản cho tòa cấp huyện.

“Tòa án cấp huyện đã được tăng thẩm quyền, về dân sự có những việc khó khăn hơn mà chúng ta vẫn giao và họ vẫn làm rất tốt”, ông Lưu nói.                

Bổ sung 170.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ

Ngày 15/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết phân bổ nguồn trái phiếu chính phủ bổ sung (giai đoạn 2014-2016) gồm 170.000 tỷ đồng cho các nhóm dự án. Nâng cấp QL1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên: 61.680 tỷ đồng; các dự án dở dang có trong danh mục sử dụng vốn trái phiếu chính phủ (2012-2015): 73.320 tỷ đồng; chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới: 15.000 tỷ đồng; vốn đối ứng cho các dự án ODA: 20.000 tỷ đồng.     

N. Tuấn

MỚI - NÓNG