Ngân hàng hạ lãi suất, doanh nghiệp thờ ơ

Ngân hàng hạ lãi suất, doanh nghiệp thờ ơ
TP - Nhiều ngân hàng chần chừ hạ lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Trong thực tế, dù ngân hàng có hạ, các doanh nghiệp (DN) cũng khó tiếp cận vốn vay. Chưa kể thời buổi khó khăn, DN cũng dửng dưng với nguồn vốn.

> Cơ hội cho những người nhanh nhạy
> Lãi suất huy động giảm mạnh xuống còn 6%

Sẽ đua hạ lãi cho vay?

Tiếp theo động thái mạnh tay giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), trao đổi với PV Tiền Phong, hầu hết các ngân hàng cho biết còn phải thăm dò động thái thị trường trước khi quyết định thực hiện giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

Đại diện một ngân hàng TMCP khẳng định, các ngân hàng nhỏ trong một vài ngày tới chắc chắn sẽ không có động thái gì vì phải thăm dò phản ứng của các “đại gia” như BIDV, Vietinbank, Techcombank, Sacombank….

Đại diện các ngân hàng cho biết, đã chủ động tiếp cận nhiều doanh nghiệp và thực tế cho thấy hầu hết các đơn vị đều không có nhu cầu vay vốn. Những đơn vị được xếp trong diện “hồ sơ sạch” đa phần tự tìm nguồn vốn bên ngoài ngân hàng hoặc không có nhu cầu vay bổ sung.

Với những đơn vị hồ sơ tạm ổn thì lại gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa hoặc không còn tài sản để thế chấp (chưa kể đang “mắc kẹt” với các khoản vay lãi suất cao trước đó).

“Với những DN hồ sơ làng nhàng, ngân hàng không dám cho vay. Thà tồn vốn hơn là phải xử lý hậu quả nợ xấu về sau. Những DN đang cố vay tiền bằng mọi giá thường có vấn đề về tài chính, hoặc có nhu cầu vốn để đáo nợ. Quyết định có giảm lãi suất hay không còn tuỳ thuộc vào mục tiêu, chiến lược kinh doanh riêng và đặc thù của mỗi ngân hàng”, một đại diện ngân hàng chia sẻ.

Dù chưa chính thức tuyên bố hạ lãi suất cho vay, nhưng nhiều ngân hàng đã tung ra các chương trình hỗ trợ dành cho khách hàng.

Muốn vay phải có “phí bôi trơn”

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng GĐ Vietcombank xác nhận, việc giảm lãi suất huy động xuống 6% do thanh khoản của ngân hàng ổn định trong thời gian khá dài, trong khi doanh số giải ngân cũng như chất lượng tín dụng quá thấp.

Hạ lãi suất huy động là mũi tên trúng 2 đích (để kích thích các thành phần kinh tế và người dân tiêu dùng nhiều hơn, qua đó giải quyết vấn đề hàng tồn kho, góp phần cải thiện kết quả kinh doanh cho DN).

 “Nhiều DN phải trả lãi vay tới 17%-18%, nay hạ lãi suất thấp đến mấy thì DN cũng không thể tiếp cận được. Bởi vì không còn tài sản để thế chấp vay vốn tiếp”.  

Đỗ Mạnh Tuấn -
GĐ Cty CP Hợp Thành

“Hiện lãi suất được dự báo giảm và các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy vẫn còn khả năng để lãi suất tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, nguồn tiền nhàn rỗi vẫn tiếp tục đổ vào hệ thống ngân hàng khi các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, vàng… bấp bênh và tiềm ẩn rủi ro cao. Dù giảm lãi suất huy động, nhưng gửi tiền tại ngân hàng sẽ vẫn là kênh đầu tư an toàn, lựa chọn ưu tiên của người dân và các tổ chức kinh tế hiện nay”, ông Thanh đánh giá.

Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, lãi suất ngân hàng công bố chỉ 10%, nhưng thực tế nếu cộng các khoản chi phí lót tay khác để được giải ngân vay vốn thì lãi suất thật cao hơn rất nhiều.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhận xét, việc giảm lãi suất đầu vào và ra là động thái đáng mừng với DN. Tuy nhiên, việc thực hiện đến đâu vẫn chưa rõ vì không phải DN nào cũng có thể tiếp cận được mức lãi vay như ngân hàng công bố. “Phí bôi trơn” đối với các khoản vay luôn là vấn đề khiến DN đau đầu.

Đại diện một DN có trụ sở tại TPHCM cho biết, từng vay vốn của một ngân hàng để thu mua hàng nông sản và bị “hành” nhiều lần do nhân viên thẩm định của ngân hàng gây khó dễ. “Rốt cuộc, DN phải lót tay mới được chấp thuận”, vị này nói.

Ông Đỗ Mạnh Tuấn, GĐ đốc Cty CP Hợp Thành, cho rằng, trước mắt DN không có nhu cầu vay vốn do hàng hóa sản xuất ra, nhưng không bán được.

Lãnh đạo Vietcombank cũng cho rằng, mặc dù thanh khoản của hệ thống ngân hàng gần đây khá tốt, nhưng không có nghĩa tất cả các ngân hàng đều đủ vốn để hoạt động khi tình trạng lấy ngắn nuôi dài vẫn tồn tại. Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu hạ lãi suất huy động và cho vay nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ và NHNN, việc áp trần lãi suất huy động trước mắt vẫn có những tác dụng phù hợp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG