Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Nguyễn Văn Bình (trái) trao đổi với doanh nhân bên lề hội nghị “Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn” ngày 28-7 tại TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng . |
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, ông Tề Trí Dũng, phó tổng giám đốc Tổng công ty Bến Thành, cho biết còn nhiều khoản vay của DN phải chịu LS trên 15%/năm. “NH cần hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ cho DN. Thiếu vốn rẻ là khó khăn lớn nhất của DN, do vậy phải làm sao giảm LS về mức 12-13%/năm” - ông nói.
LS giảm còn 10-12%/năm DN mới... “dễ thở”!
Được mời lên phát biểu, ông Nguyễn Trí Kiên, giám đốc Công ty may túi xách Minh Tiến (Miti), bức xúc: “Giữa NH và DN còn tồn tại khoảng cách rất xa. Công ty tôi cần vay khoảng 40 tỉ đồng vốn lưu động để sản xuất hàng cho mùa tựu trường nhưng sau khi thẩm định tài sản thế chấp, NH chỉ cho DN vay 6,5 tỉ đồng. DN đề xuất thế chấp bằng hàng tồn kho thì NH lắc đầu dù hàng tồn kho trong mùa vụ có tính thanh khoản rất cao”.
Từ đó ông Kiên cho rằng NH không nắm bắt tình hình, quy trình thẩm định có vấn đề. “Nếu NH tích cực trong việc thẩm định thì DN được giải tỏa và có khả năng phát triển. Ngược lại, NH quá cứng nhắc thì DN rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn là thiếu vốn sản xuất, không cung ứng kịp cho thị trường, đến khi có vốn để sản xuất thì lại hết mùa vụ, dẫn đến tình trạng tồn kho” - ông nói.
Ông Văn Đức Mười - chủ tịch Hội DN thực phẩm, tổng giám đốc Công ty Vissan - cho rằng việc trì hoãn giảm LS cho vay của NH dần dà làm niềm tin của DN phai lạt. “NH Nhà nước TP.HCM kiểm soát việc giảm lãi vay của NH như thế nào?” - ông đặt vấn đề, đồng thời đề nghị NH Nhà nước kết hợp với UBND TP yêu cầu NH thực hiện giảm LS các khoản vay cũ xuống mức 15%/năm đúng mốc 15-7 như yêu cầu của NH Nhà nước.
Bà Lại Thị Lan - chủ tịch Hiệp hội Cơ khí điện - kiến nghị ngân hàng nên giảm lãi suất cho vay xuống còn 10-12%/năm- Ảnh: Thuận Thắng . |
Bà Lại Thị Lan, chủ tịch Hiệp hội Cơ khí điện, cho biết DN gần như đang thở... oxy, phải tham gia các buổi xúc tiến thương mại ở nước ngoài để tìm đầu ra hoặc chuyển đổi ngành nghề nhưng lúc này đã hết tài sản đảm bảo. Bà kiến nghị NH hỗ trợ để DN có dự án mới và thế chấp bằng chính tài sản hình thành từ vốn vay. Ngoài ra nên giảm LS cho vay xuống mức
10-12%/năm để DN dễ thở hơn. Ông Bùi Quang Hải, phó chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM, cho biết DN cơ khí đã khó khăn từ trước, nay càng khó khăn hơn do chưa tiếp cận được LS 15%/năm, chi phí xăng dầu tăng cao trong khi lãi bình quân của ngành chỉ 8%.
Có thể từ giữa năm 2013
Đáp lại DN, nhiều NH nêu ra các lý do để lý giải cái khó của NH. Ông Trương Văn Phước, tổng giám đốc Eximbank, cho biết qua thống kê 42% DN tại TP.HCM có vay vốn tại NH cho thấy hàng tồn kho gấp đôi dư nợ. “Trong 100 đồng hàng hóa tồn kho thì chỉ có 27 đồng có khả năng luân chuyển, còn lại bất động. Điều đó cho thấy sức cầu suy giảm nghiêm trọng, nợ xấu của DN khiến cả NH lẫn DN không thể sinh hoạt, làm ăn như bình thường được” - ông nói.
Khó, báo cáo trực tiếp cho thống đốc Trao đổi với các DN, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng khi có khó khăn gì thì báo cho giám đốc NH Nhà nước TP.HCM, nếu không giải quyết được thì báo cáo trực tiếp lên thống đốc. Theo ông Bình, số liệu thống kê đến ngày 27-7 cho thấy toàn hệ thống chỉ còn 35% khoản vay cũ có LS trên 15%/năm, trước thời điểm NH Nhà nước chỉ đạo thì con số này là 60%. Ông Bình cho rằng thời gian qua NH Nhà nước cũng hỗ trợ NH thương mại rất nhiều. Sau khi LS huy động ngắn hạn xuống 9%/năm, NH Nhà nước cũng giảm LS tái cấp vốn xuống 10%, LS thị trường mở xuống 8%, thấp hơn cả LS huy động ngắn hạn. |
Ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc NH Đông Á, cho rằng NH chấp nhận giảm lãi dù có thể năm nay không đạt chỉ tiêu lợi nhuận. Ông cho biết từ ngày 2-8 sẽ giảm lãi vay cho các DN bất động sản về 15%/năm với điều kiện các DN này cùng ngồi lại với NH bàn bạc tìm đầu ra.
“Những vướng mắc DN gặp phải trong quá trình vay vốn, đề nghị DN trao đổi cụ thể với NH xem khó khăn ở chỗ nào, nếu cấp độ chi nhánh không giải quyết được thì DN nên trao đổi với cấp quản lý cao hơn của NH” - ông đề nghị.
Trong khi đó, lãnh đạo NH BIDV TP.HCM cho rằng DN không nên chỉ dựa vào NH mà nên mở rộng huy động vốn qua các kênh khác, nên thông cảm và đừng đổ lỗi cho NH.
Trả lời câu hỏi khi nào LS cho vay về 10%/năm, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết LS cho vay 10%/năm hoàn toàn có thể thực hiện được trong vòng tối đa hai năm, còn nếu trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp thì có thể thực hiện từ giữa năm 2013.
“Nếu lạm phát cuối năm ở mức 7%/năm thì NH Nhà nước có thể giảm thêm 1% LS huy động để giảm thêm LS cho vay” - ông nói.
Tuy nhiên, ông Bình cho biết không thể giảm LS huy động VND xuống thấp quá vì như thế người nắm giữ VND sẽ cảm thấy không còn hấp dẫn và sẽ đầu cơ vào ngoại tệ, gây ra các cơn sốt làm chao đảo thị trường.
“DN nên cố gắng trong thời điểm khó khăn hiện tại vì sau giai đoạn khó khăn sẽ có lối ra ổn định, bền vững. Muốn DN hồng hào, tươi tắn không khó. NH Nhà nước chỉ cần tung vài trăm nghìn tỉ thì thị trường bất động sản sẽ ấm áp, sản xuất duy trì phát triển, nhưng làm như vậy vô hình trung lặp lại vết xe đổ của thời gian trước. Không nên đánh đổi dễ chịu trước mắt mà mất ổn định lâu dài” - ông Bình nói.
Chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay đang rất thấp Ông Trương Văn Phước nói không nên dựa vào LS danh nghĩa mà phải tính đến chi phí vốn thực tế của NH. “NH huy động 9%/năm nhưng phải cộng thêm dự trữ bắt buộc, bảo hiểm tiền gửi, dự phòng chung, rồi chi phí hoạt động như thuê nhà, điện nước, quảng cáo, lương... Nên có thể nói chênh lệch LS hiện nay rất thấp. Cho vay LS 15%/năm NH không thể nào lãi đến 6% như báo chí đề cập” - ông Phước nói. Ông cũng cho biết vừa rồi DN cứ kêu khó khăn do chi phí vay vốn cao nhưng NH khảo sát thấy chi phí lãi vay NH chỉ chiếm 24% tổng chi phí hoạt động của DN, 76% còn lại dành cho chi phí khác, trong đó có chi phí phải gánh do hàng tồn kho. |
Theo Ánh Hồng
Tuổi Trẻ