Ngân hàng 2013: Ít xáo trộn, nhiều đổi thay

Ngân hàng 2013: Ít xáo trộn, nhiều đổi thay
Trong 5 năm trở lại đây, có thể xem 2013 là năm ít xáo trộn nhất trong hoạt động ngân hàng, xét ở những biểu hiện và phản ứng trên thị trường. Nhưng đây lại là một năm có những sự kiện, thay đổi quan trọng.

Ngân hàng 2013: Ít xáo trộn, nhiều đổi thay

> Ông Cao Sĩ Kiêm nói về bầu Kiên, cứu BĐS, nợ ngân hàng
> 5 tấn vàng đọng ở ngân hàng TP HCM

Trong 5 năm trở lại đây, có thể xem 2013 là năm ít xáo trộn nhất trong hoạt động ngân hàng, xét ở những biểu hiện và phản ứng trên thị trường. Nhưng đây lại là một năm có những sự kiện, thay đổi quan trọng.

Dưới đây là 10 điểm nổi bật nhất trong hoạt động ngân hàng một năm qua.

Sau thời gian khá dài bàn tính, lần đầu tiên mô hình xử lý nợ VAMC ra đời, bắt đầu mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng từ tháng 10/2013
Sau thời gian khá dài bàn tính, lần đầu tiên mô hình xử lý nợ VAMC ra đời, bắt đầu mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng từ tháng 10/2013.

1. Lạm phát thấp nhất 10 năm

Với mức tăng 6,04%, CPI 2013 thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Đây là một thành công trong điều hành chính sách tiền tệ, có ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động của các ngân hàng thương mại.

Đầu năm, có quan điểm lo ngại, đặc biệt là các tổ chức quốc tế, về một cú hồi mã thương của lạm phát khi chính sách tiền tệ có dấu hiệu nới lỏng, qua tốc độ giảm lãi suất khá nhanh, cung tiền tăng trưởng khá cao…

Tuy nhiên, sau nhiều năm bùng nổ, tăng trưởng tín dụng đã hãm phanh (năm 2013 dự kiến khoảng 11%), là một yếu tố quan trọng để giới hạn mức độ nới lỏng nói trên, hạn chế tác động bất lợi đối với lạm phát. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước liên tục sử dụng các công cụ để điều tiết cung tiền hợp lý, đặc biệt là lượng tiền cung ứng mua vào ngoại tệ.

Bên cạnh kiềm chế lạm phát, nhịp độ điều tiết của Ngân hàng Nhà nước đã cân đối được các áp lực đối với lãi suất, tỷ giá và đặc biệt là vấn đề thanh khoản hệ thống.

2. Lãi suất giảm nhanh

Với diễn biến thuận lợi của lạm phát, chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đã bắt nhịp để có những điều chỉnh nhanh hơn dự tính.

Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 2%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 3%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 1%/năm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi bằng VND, từ cuối tháng 6 cho phép các ngân hàng thương mại tự ấn định lãi suất tiền gửi VND có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm 2-5%/năm trong 2013 (trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006) nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ. Lãi suất cho vay cũng đã giảm xuống thấp, phổ biến dưới 13%/năm đến cuối 2013.

3. Cam kết ổn định tỷ giá ba lần thử lửa

Lần thứ ba Ngân hàng Nhà nước đưa ra cam kết ổn định tỷ giá USD/VND với mức tăng không quá 2-3%. Chung cuộc là mức tăng chỉ 1,3%, tỷ giá và thị trường ngoại hối tiếp tục có một năm ổn định, đặc biệt là nguồn lực dự trữ ngoại hối tiếp tục được củng cố (ước tính đạt trên 30 tỷ USD).

Song, áp lực đối với cam kết ổn định tỷ giá luôn tiềm ẩn. Trong năm ít nhất có ba đợt biến động: cuối tháng 2 đầu tháng 3, cuối tháng 6 đầu tháng 7 và gần đây là đầu tháng 12 vừa qua.

Điểm chung, ba đợt biến động đều xuất phát từ những thông tin đồn đoán, những dự báo có ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Điểm chung nữa, với lượng tiền cung ứng mua vào ngoại tệ lớn chuyển tiếp từ 2012, trạng thái dư tiền đồng kéo dài trong hệ thống, đầu ra tín dụng khó đẩy mạnh, hiện tượng găm giữ ngoại tệ có biểu hiện ở tiền gửi ngoại tệ tăng khá cao… cũng là những nguyên nhân đáng chú ý.

Cả ba lần, Ngân hàng Nhà nước thể hiện sự linh hoạt, cũng như có hành động can thiệp kịp thời. Thông tin định hướng thị trường đã nhanh hơn, nguồn lực dữ trữ để bán ra bình ổn sẵn sàng hơn, nhưng hơn hết là đã có sự phối hợp tốt hơn giữa chính sách lãi suất với tỷ giá, với điều tiết vốn trong hệ thống; thị trường đã có một cam kết để định hình kỳ vọng và ứng xử; những tác động bất lợi từ thị trường vàng đối với tỷ giá đã được hạn chế.

Và một trong ba lần đó, nhà điều hành đã phải trực tiếp tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng, đồng thời lùi trần lãi suất tiền gửi tối đa USD.

4. Kìm chân nợ xấu và VAMC ra đời

Nợ xấu tiếp tục tăng lên, nhưng tốc độ đã được hãm lại. Đến cuối tháng 11/2013, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng là 4,55%, chỉ tăng 19% so với mức tăng tới 67% cùng kỳ 2012.

Bên cạnh việc tăng trích lập dự phòng, thu hồi và tự xử lý, tốc độ trên được kìm chân bởi các chính sách có ảnh hưởng lớn: Quyết định 780 cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm, hoãn thực hiện Thông tư 02 về phân loại và trích lập dự phòng. Đặc biệt, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra đời bắt đầu có tác động đáng kể đến việc xử lý nợ xấu.

Sau thời gian khá dài bàn tính, lần đầu tiên mô hình xử lý nợ VAMC ra đời, bắt đầu mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng từ tháng 10/2013. Tác động của giải pháp này thể hiện rõ, khi tỷ lệ nợ xấu của hệ thống từ mức cao nhất trong năm 4,73% vào tháng 10 đã giảm xuống còn 4,55% cuối tháng 11.

5. Chính sách tiền tệ một năm nhượng bộ

Như trên, Quyết định 780 và hoãn Thông tư 02 là hai điển hình cho tình thế phải nhượng bộ của chính sách tiền tệ trong năm 2013. Cả hai cơ chế này đều hướng tới tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vay vốn, giảm tải áp lực nợ xấu cho các tổ chức tín dụng, hay là một kế hoãn binh để từng bước xử lý những khó khăn của nền kinh tế.

Trong đó, riêng việc thực hiện Thông tư 02 là vấn đề nổi bật và xuyên suốt trong năm 2013, với loạt kiến nghị tiếp tục hoãn áp dụng từ lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại.

Với hai điển hình trên, các chỉ báo về tình hình sức khỏe của hệ thống các tổ chức tín dụng đã không được phản ánh một cách sát thực và đầy đủ. Đây cũng là áp lực dự báo sẽ nổi bật trong năm 2014, khi nhiều khả năng phải ngừng Quyết định 780 và chính thức áp dụng Thông tư 02.

Quyết định 780 và Thông tư 02 một lần nữa cũng là điển hình cho thấy hiệu quả của điều hành chính sách tiền tệ phụ thuộc nhiều vào các chính sách điều tiết tài chính đối với hệ thống các tổ chức tín dụng. Bởi nếu không nhượng bộ như trên, năm 2013 chắc chắn hệ thống đã không có được sự ổn định, hay các vấn đề như thanh khoản, lãi suất, tỷ giá, thậm chí là khả năng đổ vỡ đã trở nên nóng bỏng.

6. Bóc tách xong vốn vàng

Từng có chủ trương từ 2011 và trì hoãn trong 2012, phải đến 30/6/2013 (đúng hơn là một tuần sau mốc này), việc tất toán trạng thái vàng tại các tổ chức tín dụng mới chính thức hoàn thành. Cuối cùng, vốn vàng đã được bóc tách ra khỏi hệ thống; dư nợ cho vay bằng vàng chỉ còn lại phần nhỏ, ước khoảng 5 tấn đến cuối 2013.

Dù muộn và từng phải nhượng bộ, nhưng đây là một thành công nổi bật của Ngân hàng Nhà nước, khi bóc tách được vốn vàng, các yếu tố đòn bẩy tài chính, sự bơm thổi tín dụng và những rủi ro từng khuấy đảo trong hệ thống, thậm chí từng dẫn đến nguy cơ đổ vỡ tại một số tổ chức tín dụng.

Quá trình bóc tách diễn ra căng thẳng từ cuối 2012 đến suốt nửa đầu 2013, là áp lực lớn tại 18 tổ chức tín dụng liên quan, gắn với sự ồn ào của hoạt động đấu thầu vàng miếng và chênh lệch giá trong nước với thế giới, nhưng đã kết thúc trọn vẹn mà không gây tổn thương đến lãi suất và thanh khoản hệ thống.

7. Khác biệt tái cơ cấu

2013 là năm thứ hai hệ thống ngân hàng thực hiện tái cơ cấu. Về cơ bản, tất cả 9 ngân hàng yếu kém xác định trong năm 2012 đã được xử lý, hoặc có phương án xử lý. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xác định thêm 8 tổ chức tín dụng yếu kém (gồm 2 ngân hàng thương mại và 6 tổ chức tín dụng phi ngân hàng) để triển khai “đợt” nối tiếp.

Cùng với việc hợp nhất giữa PVFC với Western Bank thành PVcomBank, điểm khác biệt trong năm 2013 là sự kiện sáp nhập DaiABank vào HDBank - hai ngân hàng được đánh giá an toàn, lành mạnh và không nằm trong diện phải tái cơ cấu bắt buộc. Sự kiện này có thể mở đầu cho một xu hướng sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng nhỏ và tầm trung thành những định chế lớn hơn, hay một hướng vận động mới của hệ thống những năm tới.

Nếu năm 2012 ồn ào, căng thẳng và cả lo ngại, thì quá trình tái cơ cấu hệ thống đã được “mềm hóa” trong 2013, không gây xáo trộn trên thị trường mà từ đó có thể gây tổn thương đối với các tổ chức tín dụng liên quan. Và sau hai năm triển khai, trật tự và kỷ cương hệ thống đã được củng cố thêm một bước.

8. Thất bại của gói 30.000 tỷ

Bốn tháng kể từ khi có chủ trương, đến tháng 5/2013 gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở mới ra đời. Độ trễ từ chủ trương đến triển khai cũng đã cho thấy sự phức tạp, nhiều vướng mắc của một chính sách nổi bật trong năm qua.

Bên cạnh giá trị xã hội, gói 30.000 tỷ đồng từng được kỳ vọng sẽ giải ngân được 15.000 - 17.000 tỷ đồng ngay trong năm 2013, để nhanh chóng tạo hiệu ứng lan tỏa trên thị trường bất động sản, góp phần gỡ một nút thắt khó khăn mà ngạch ngân hàng có mối liên hệ mật thiết. Nhưng với tiến độ giải ngân sau 6 tháng chưa đầy 2%, có thể khẳng định gói 30.000 tỷ đồng đã thất bại trong năm 2013.

Dù Ngân hàng Nhà nước, sự tham gia của nhóm các ngân hàng quốc doanh chỉ là một cấu phần, cũng như có nhiều nguyên nhân khác nhau gắn với những đầu mối khác nữa, sự thất bại trên cho thấy: không phải cứ có chủ trương và có vốn, muốn bơm ra là bơm được.

9. Xốc lại sức khỏe hệ thống

Thêm một năm khó khăn khi ước tính có khoảng 17% tổ chức tín dụng thua lỗ. Lợi nhuận của toàn hệ thống lũy kế 11 tháng 2013 đạt 29.500 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm ngoái, nhưng so với 2010 và 2011 thì chỉ bằng 53-64%.

Hệ thống đã không tạo được mức tăng trưởng hai con số về tổng tài sản, về vốn để cho thấy một sự lớn mạnh như trước đây. Tưởng như trái ngược, nhưng chính trong bối cảnh đó tình hình sức khỏe nói chung đã được củng cố lại.

Thay cho hoạt động “bật tường” vốn lẫn nhau và những vòng quay tạo vốn ảo kích thích tăng trưởng nóng phổ biến trước đây, từ cuối 2012 và suốt 2013 tổng tài sản của các tổ chức tín dụng đã tăng trưởng thực chất hơn, thua lỗ có xu hướng được ghi nhận sát hơn.

Năm 2013 chứng kiến một hiện tượng kéo dài: tổng quy mô vốn tự có của khối ngân hàng cổ phần giảm mạnh, xuống thấp hơn tổng quy mô vốn điều lệ. Một khía cạnh sức khỏe hệ thống “chính thức” thể hiện, nhưng quan trọng hơn là nỗ lực khắc phục để có xu hướng cải thiện khá rõ nét trong những tháng cuối năm.

Sau nhiều năm, 2013 cũng là năm đầu tiên hệ thống có được một tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) ở mức thấp, giảm được về gần 85%, thay cho trên 100% những năm trước gắn với tình trạng căng thẳng thanh khoản thường trực. Hệ số an toàn vốn toàn hệ thống được duy trì ở mức cao (từ 13 - 14% trong năm); tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kiểm soát tốt (dưới 18%)…

Về tổng thể, hệ thống ngân hàng đang sở hữu các chỉ số cơ bản khá tốt. Tuy nhiên, chúng chưa thực sự phản ánh được bản chất trong tình huống không có sự can thiệp của Quyết định 780 và phải thực hiện Thông tư 02 nói trên.

10. Góc nhìn “tín nhiệm”

Ngày 11/6/2013, lần đầu tiên Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Với 209 phiếu “tín nhiệm thấp”, 194 phiếu “tín nhiệm” và 88 phiếu “tín nhiệm cao”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình là người có số phiếu “tín nhiệm thấp” cao nhất trong số 47 chức danh được lấy phiếu.

Kết quả trên là một góc nhìn không chỉ riêng về Thống đốc Nguyễn Văn Bình, mà còn gắn với việc điều hành chính sách tiền tệ, với tình hình hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Diễn ra vào giữa năm, góc nhìn đó không phản ánh cho cả năm 2013, nhưng thể hiện sự kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ được điều hành tốt hơn nữa, sức khỏe và hoạt động của hệ thống cải thiện hơn nữa.

Khép lại năm 2013, điểm lại những kết quả kể trên, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng hẳn cũng đã đáp ứng được phần nào kỳ vọng đó.

Theo Minh Đức
VnEconomy

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG