Ngăn chặn “chiêu” bán khống

Hai sàn chứng khoán phiên này xanh điểm
Hai sàn chứng khoán phiên này xanh điểm
TP - Tài khoản của nhiều nhà đầu tư đã bị các nhân viên, công ty chứng khoán (CTCK) dùng để mua - bán (chứng khoán) kiếm lời. Vì sao xảy ra chuyện này?

> Chứng khoán: Sự hờ hững… đến buồn lòng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Bán khống thế nào?

Trong 2 tháng qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước liên tục công bố thông tin xử phạt các CTCK và nhân viên có hành vi cho vay, mượn chứng khoán để “bán khống”.

Gần đây 2 nhân viên của CTCK TPHCM (HSC) Nguyễn Viết Xuân (người hành nghề chứng khoán) và bà Phạm Thị Sương (nhân viên môi giới) bị phạt 85 triệu đồng về hành vi tự ý cho khách hàng mượn chứng khoán trên tài khoản khách hàng khác.

Chiều 16-10, ông Nguyễn Thế Nhân - NĐT mở tài khoản và giao dịch tại HSC cho hay: “Từ tháng 4-2011, tôi được ông Nguyễn Viết Xuân, Trưởng phòng môi giới của HSC cung cấp một gói dịch vụ “bán khống”, giao dịch trong 30 ngày. Phí vay chứng khoán là 3%/tháng. Ông Xuân nói đây là sản phẩm của HSC nên tôi tin tưởng sử dụng”.

Trước mỗi lần giao dịch, ông Nhân phải chuyển tiền đặt cọc là 30-40% giá trị lô chứng khoán vào tài khoản đứng tên ông Nguyễn Viết Xuân và tài khoản đứng tên ông Nguyễn Viết Hùng (ủy quyền cho ông Xuân) để ông Xuân thực hiện “bán khống” chứng khoán

. Sau một thời gian mua bán trót lọt, ông Nhân phát hiện ông Xuân đã bán hết chứng khoán trên tài khoản của mình và không trả số tiền đặt cọc hơn 1,3 tỷ đồng. Hiện, ông Xuân mới hoàn trả được 397 triệu đồng.

Tuy nhiên, “các giao dịch này không có hợp đồng, chỉ thỏa thuận bằng miệng. Tôi đã gửi đơn tố cáo lên cơ quan công an để làm rõ hành vi này”- Ông Nhân nói.

Buông lỏng, phạt nhẹ

Theo một cán bộ pháp chế từng làm việc tại một CTCK, “việc nhân viên môi giới “bán khống” chứng khoán là do công tác kiểm soát, quản lý rủi ro (của CTCK) vẫn còn kẽ hở”.

Theo quy định, khi NĐT đặt lệnh mua-bán dù qua điện thoại hay email thì họ phải trực tiếp ký xác nhận vào phiếu lệnh.

Các nhân viên môi giới phải mang phiếu lệnh đến tận nhà khách hàng để lấy chữ ký. Do đó, nếu CTCK buông lỏng quản lý, thì nhân viên môi giới sẽ tìm cách lách hoặc chậm đưa phiếu lệnh.

Bà Trương Thị Minh Thọ, Giám đốc khối kinh doanh chứng khoán (CTCK Alpha) cho rằng, việc lạm dụng tài khoản của NĐT xuất phát từ kẽ hở trong hệ thống quản lý tài khoản (của NĐT), giám sát thông tin khách hàng của CTCK”.

“Mặc dù giao dịch phát sinh trên tài khoản được gửi đến số điện thoại, email của NĐT, nhưng nhân viên môi giới có thể thông đồng với các cá nhân khác trong hệ thống để giấu, chặn tin nhắn này hoặc tranh thủ khách hàng đi công tác ngoài, ở vùng không có sóng điện thoại, để “lướt sóng” trên tài khoản của NĐT” - bà Thọ lưu ý.

Mới đây, bà Liên Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nói: “Khi thị trường chứng khoán và doanh nghiệp khó khăn mới lộ ra nhiều vấn đề tiêu cực, gây bức xúc cho NĐT. Đặc biệt là các sai phạm của CTCK và nhân viên liên quan đến tài khoản của NĐT như cho vay mượn, bán khống chứng khoán”.

Tuy nhiên, chế tài xử lý các vi phạm này hiện mới chỉ dừng ở mức phạt hành chính. Điều 22 Nghị định 85 chỉ phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng. Hình phạt bổ sung rút chứng chỉ hành nghề của nhân viên hoặc giấy phép của CTCK. Mức phạt này vẫn thấp hơn khoản lợi nhuận nhiều lần.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG