'Ngâm' tiền đền bù của người chống tham nhũng

'Ngâm' tiền đền bù của người chống tham nhũng
TP - Năm 2008, sau lá đơn tố cáo tham nhũng của một công dân, Đảng bộ xã Kỳ Tân tụt xuống diện yếu kém. Nhiều cán bộ xã bị xử lý kỷ luật, còn người tham gia chống tham nhũng có dấu hiệu bị trù úm.

Đó là ông Hoàng Xuân Lộc sinh 1962, ở thôn Đông Hạ, xã Kỳ Tân, Kỳ Anh từng tham gia quân ngũ có vợ là Nguyễn Thị Hương là cựu chiến binh bảy năm phục vụ quân đội.

Từ lá đơn tố cáo của ông Hoàng Xuân Lộc, nhiều sai phạm ở UBND xã Kỳ Tân được phát hiện, 5 ủy viên Thường vụ Đảng ủy xã đều bị kỷ luật.

Bí thư xã Nguyễn Tiến Nghĩa và Chủ tịch xã Nguyễn Tiến Dũng chỉ bị cảnh cáo rồi được chuyển lên làm cán bộ Ban Giải phóng mặt bằng của huyện.

* Được biết trước đây xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh là đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang thời chống Mỹ. Suốt 20 năm Đảng bộ liên tục trong sạch vững mạnh xếp xuất sắc nhất nhì trong 33 xã, thị trấn của huyện.

Khi phát hiện một số cán bộ địa phương có dấu hiệu tham nhũng, ngày 21/1/2008, ông Lộc viết đơn gửi Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm Kinh tế Công an Hà Tĩnh, đưa ra số liệu: Năm 2003 xã Kỳ Tân được đầu tư gần một tỷ đồng xây dựng dự án nước sạch nhưng công trình này không sử dụng được, bị phá hủy.

Năm 2004, tiền đền bù giải phóng mặt bằng QL12 Việt - Lào do Ban giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh chuyển về, xã này được chi trả cho người dân không đúng quy định. Đa phần người dân nhận tiền trên thực tế ít hơn so với quy định tại văn bản. Phần đền bù Dự án thủy lợi sông Trí,  xã cũng chi trả cho dân ít hơn số tiền họ đáng được nhận.

Từ nội dung lá đơn nói trên, Cơ quan Điều tra đã phát hiện nhiều sai phạm khác: Trong hai năm (2006 - 2007) UBND xã Kỳ Tân bỏ ngoài sổ sách hơn 1,5 tỷ đồng, trong đó một tỷ tiền bồi thường đất công ích ở thượng nguồn sông Trí khi UBND xã rút về không nhập quỹ mà cho hai nhân viên là kế toán và thủ quỹ đứng tên gửi vào ngân hàng để lấy lãi.

Bị ngâm tiền đền bù

Trao đổi với PV báo Tiền Phong, ông Trần Bá Song, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho rằng:

“Tiền của ông Hoàng Xuân Lộc, chúng tôi cũng muốn trả dứt điểm nhưng do ông Nguyễn Hữu Chỉnh, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh còn kiện lên tỉnh, sự việc đã kéo dài hơn một năm nhưng tỉnh chưa có văn bản giải quyết”.

Nhưng Văn phòng UBND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đều trả lời: Chi trả tiền đề bù thượng nguồn sông Trí thuộc thẩm quyền giải quyết của  UBND huyện Kỳ Anh.

Năm 1989, ông Hoàng Xuân Lộc khai hoang khu đất 4 ha làm trang trại, năm 1993 được UBND huyện Kỳ Anh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng số đất nói trên. Năm 2006, khi làm hồ chứa nước sông Trí phần đất bị thu hồi của gia đình là 1,5 ha gần QL12 Việt - Lào.

Theo ông Lộc, nếu tính đúng thì khoản tiền ông được nhận là gần 200 triệu đồng. Thế nhưng bước đầu Ban đền bù của huyện chỉ trả cho ông 41.200.000 đồng, số còn lại họ chuyển về ngân sách xã.

Sau nhiều lần khiếu nại, huyện nâng mức đền bù lên 76.600.000 đồng, nhưng ông Lộc không đồng ý, huyện lại nâng lên mức 114.000.000 đồng rồi ngâm cho đến nay.

Ông Lộc đã gửi 69 lá đơn từ tỉnh đến Trung ương. Những lá đơn ấy chuyển về huyện Kỳ Anh đều chưa được giải quyết. Tính đến nay gần hai năm, gia đình ông Lộc vẫn không nhận được tiền đền bù khi công trình hồ chứa nước sông Trí đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Phản ánh với Tiền Phong, ông Hoàng Xuân Lộc cho rằng: “Vì tôi tố cáo tiêu cực tại xã Kỳ Tân và Ban Giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh nên UBND huyện không bồi thường cho gia đình tôi như quy định”. 

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.