Theo Time Out, dưới sự đánh giá, bình chọn của nhiều chuyên gia và trên 27.000 cư dân, quận 3 là nơi giao thoa giữa văn hóa địa phương và văn hóa quốc tế, náo nhiệt nhưng ít xô bồ, và là nơi phát triển hiện đại nhưng vẫn giữ được các giá trị lịch sử. Nơi đây có nhà thờ và biệt thự cổ, cùng với chùa chiền và nhiều quầy bán thức ăn đường phố nổi tiếng của TPHCM.
Trong ảnh, người dân ngược xuôi đến nơi làm việc trong buổi sáng, tại vòng xoay Ngã 6 Dân chủ (quận 3)
Địa bàn này gắn liền với những công trình kiến trúc mang dáng dấp cổ xưa do được thừa hưởng từ lịch sử để lại. Một trong số đó có thể kể đến các di tích nổi tiếng như: Hồ Con Rùa, Nhà thờ Tân Định, Tòa tổng giám mục, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Marie Curie, THCS Lê Quý Đôn...
Trường THCS Lê Quý Đôn trên đường Võ Văn Tần là một trong những ngôi trường có lối kiến trúc xưa cũ
Nhà thờ Tân Định là công trình kiến trúc độc đáo gây ấn tượng với nhiều du khách trong và ngoài nước với lối kiến trúc hài hòa giữa phong cách Gothic, Baroque, Roman cùng tông màu hồng chủ đạo.
Hai bạn nữ tạo dáng chụp ảnh trước nhà thờ màu hồng vào sáng 26/9
Quận 3 còn đó một nhà ga sầm uất với hình ảnh đặc biệt ngay lối cổng vào là chiếc đầu máy xe lửa, đúng với tiêu chí mà Time Out đánh giá: là nơi phát triển hiện đại nhưng vẫn giữ được các giá trị lịch sử
Cạnh đó, địa phương trung tâm TPHCM còn là nơi ghi dấu sự hồi sinh của những công trình xuyên thế kỷ. Con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trải dài qua các quận Bình Thạnh - quận 3 - Phú Nhuận - Tân Bình trước đây "nổi tiếng" bởi mùi hôi thối, tuy nhiên nhờ sự đầu tư, cải thiện từ phía chính quyền và sự chung tay của người dân nên giờ đây con kênh này đã được cải thiện rất nhiều.
Trong ảnh, cảnh thanh bình ở con kênh trải dài qua nhiều cây cầu sắt và những ngôi chùa
Tòa Tổng giám mục là một trong những công trình kiến trúc cổ kính của quận 3, được bao quanh bởi nhiều cây xanh lâu năm
Chợ Bàn Cờ trên đường Nguyễn Đình Chiểu
Quận 3 còn là nơi có những con phố ăn uống bình dân thu hút nhiều người tìm đến.
Trong ảnh, người dân dừng mua đồ uống trên đường Nguyễn Thượng Hiền, con đường ghi dấu với nhiều cửa hàng bán bánh tráng trộn và nước ép trái cây nằm san sát nhau.
Khung ảnh nhẹ nhàng, dễ thương phóng viên bắt gặp ở một góc phố thuộc quận 3, người chủ địu theo chú cún cưng đi chợ sớm trên đường Nguyễn Thông.
Trung tâm TPHCM hút khách nhờ những giá trị văn hóa đặc trưng
Phát biểu tại hội thảo phát triển du lịch thông minh trên địa bàn TPHCM mới đây, ông Luigi Campanale, CEO của SCE Project Asia - đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phát triển yếu tố di sản văn hóa trong một đô thị thông minh, đồng thời ghi nhận địa bàn trung tâm TPHCM như quận 1 là nơi lưu giữ được những giá trị văn hóa đặc trưng để làm du lịch thông minh.
Theo ông Luigi Campanale, những di tích như khối nhà cổ, các bảo tàng, các công trình kiến trúc văn hóa vừa mang biểu tượng cổ kính, uy nghi, đồng thời còn là yếu tố tham gia phát triển du lịch thông minh một cách bền vững.
Vị chuyên gia nước Ý cũng cho rằng cùng với sử dụng những vốn có về những di tích lịch sử này, việc thay đổi và bổ sung công năng mới cho nó sẽ giúp thành phố hình thành những điểm đến thu hút du khách.
Doanh thu du lịch 9 tháng đạt 72% kế hoạch năm Báo cáo của Sở Du lịch TPHCM ngày 25/9 cho biết, lượng khách quốc tế đến thành phố trong tháng 9/2019 ước đạt 692.000 lượt khách, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng lượt khách quốc tế 9 tháng đầu năm ước đạt 6.225.000 lượt khách, tăng 14,3% so với cùng kỳ và đã đạt 73% kế hoạch năm 2019. Về tổng thu ngành du lịch: tháng 9/2019 ước đạt 12.231 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ (tháng 9/2018 đạt 12.178 tỷ đồng). Tổng thu 9 tháng ước đạt 108.300 tỷ đồng, tăng 7.4% so với cùng kỳ (9 tháng năm 2018 là 100.841 tỷ đồng) và đạt 72.2% kế hoạch năm 2019 (150.000 tỷ đồng).