Những người thực hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia dịp này vời chuyên gia nước ngoài để trợ giúp. “Đổi mới-Hành trình của những ước mơ” tiếp cận cách trưng bày mở, tiệm cận với phương pháp quốc tế. “Chúng tôi muốn dùng không gian triển lãm để thể hiện tinh thần đổi mới”, vị chuyên gia người Úc này nói. Hồi tháng 4, Bảo tàng từng có buổi huy động người dân đóng góp hiện vật liên quan đến thời kỳ Đổi mới. Tuy vậy, Giám đốc Bảo tàng phân trần một số hiện vật đẹp nhưng chưa được sử dụng dịp này, bởi phòng trưng bày xinh xắn chỉ vỏn vẹn 200m2. Chẳng hạn chiếc máy cấy, phát minh của một người nông dân cũng đầy ý nghĩa nhưng chưa thể đem vào phòng trưng bày.
Một trong số hiện vật gắn với ký ức người dân về thời kỳ Đổi mới
Một chiếc cột với hai tấm biển “Đổi mới hay là chết” và “Đổi mới để tiến lên” làm nổi bật chủ đề của trưng bày. Những người thực hiện giới thiệu lý do, bối cảnh xã hội, yêu cầu bức thiết phải đổi mới những năm đầu thập ỷ 80. Nội dung này được thể hiện qua câu chuyện về ba nhân vật, ba nhà lãnh đạo có vai trò quyết định: Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt.
Mỗi hiện vật đều gắn với những câu chuyện riêng tư
Thông điệp “Đổi mới để tiến lên” được thể hiện qua các nội dung: Cơ hội, Vận động-hội nhập, Tăng trưởng, Sức mạnh, thể hiện qua hiện vật và hình ảnh tiêu biểu.
Chiếc phích đá giúp bà mẹ mang cơm đi làm, khi về dùng để đựng kem cho con
Phương pháp tiếp cận nhân học trong triển lãm ở đây chính là cách giới thiệu các giọng nói, tiếng nói của người dân dưới nhiều góc độ khác nhau qua các câu chuyện, hiện vật.
Khoảng 200 hiện vật, tài liệu và hình ảnh của Bảo tàng kết hợp đóng góp của người dân làm nên triển lãm mở về thời kỳ Đổi mới, dù chưa thực sự quy mô nhưng có thể được xem là tổng kết nho nhỏ nhân kỷ niệm 30 năm Đổi mới.
Công chúng cũng có riêng không gian để bày tỏ, chia ký ức về thời kỳ Đổi mới.