Tiếp tục chuyến thăm chính thức Romania, trưa ngày 21/1 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp tỉnh Prahova.
Cùng dự với Thủ tướng Chính phủ có Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi...
Prahova là một trung tâm công nghiệp, dầu khí, du lịch và văn hóa hàng đầu của Romania. Đây là mô hình về công nghiệp hoá, một tỉnh quan trọng trong bản đồ Romania, đóng góp GDP quan trọng cho đất nước.
Tại đây có trường Đại học Dầu khí Ploiesti là nơi có liên kết với Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí và từ năm 1948 đã đào tạo gần 300 sinh viên Việt Nam.
Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Prahova cho biết, năm 2002 thành lập Công ty Petro Việt- Ru, đóng góp vào nhiều dự án, công trình trong lĩnh vực dầu khí, như xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy phân bón Phú Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Romania Stefan-Radu Oprea cho biết, ngành dầu khí có sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước. Hai bên đã ký kết hiệp định bảo hộ đầu tư, hiệp định thương mại tự do. Đây là cơ hội tăng cường hợp tác, khi 99% hàng hoá đã đưa về mức thuế bằng 0%.
"Ngài Thủ tướng nói rất tốt tiếng Romania cũng giúp gắn kết chúng ta với nhau", Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Romania Stefan-Radu Oprea, nói.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Romania Stefan-Radu Oprea phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: PV |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, chuyến thăm lần này trong không khí rất nồng ấm. Quan hệ hai nước đã trải qua gần 75 năm. Quay trở lại thành phố Ploiesti (thuộc tỉnh Prahova), Thủ tướng chia sẻ, thành phố có nhiều đổi mới, quản lý bằng công nghệ thông tin với mô hình thành phố thông minh. Quản lý dịch vụ công và an sinh xã hội rất tốt. Nơi đây đã giúp Việt Nam đào tạo hơn 300 kỹ sư, tiến sỹ dầu khí, ngành đóng góp lớn cho kinh tế Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam cũng theo xu thế lớn của thế giới, là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Hai nền kinh tế có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Diện tích Romania có hơn 230 nghìn km2, dân số 23 triệu dân, có thể bổ sung nguồn nhân lực lẫn nhau. Hợp tác về lao động, phát triển nguồn nhân lực cần ưu tiên trong thời gian tới.
Tới đây, Việt Nam sẽ mở rộng một số nhà máy lọc dầu, đây đều liên quan đến các lĩnh vực mà Romania có thế mạnh, có thể chuyển giao công nghệ, nguồn nhân lực. "Hai bên cần tìm động lực hợp tác mới trong thời gian tới", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, cơ hội, không gian, phạm vi hợp tác rất rộng và hai nước có thể làm được. |
Theo Thủ tướng, cơ hội, không gian, phạm vi hợp tác rất rộng và hai nước có thể làm được. Cản trở lớn nhất là khoảng cách địa lý giữa hai nước, nhưng Thủ tướng cho rằng, trong điều kiện thế giới phẳng, chuyển đổi số, thương mại điện tử thì có thể tháo gỡ khó khăn này. Trước đây phải gặp nhau trực tiếp thì bây giờ có thể trực tuyến, thông qua hai phòng thương mại, công nghiệp, các bộ, ngành để kết nối hai nền kinh tế.
Khó khăn về lòng tin mà tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos nêu ra, thì hai nước đã có sẵn, giờ cần phát huy cao hơn nữa.
Thủ tướng tin tưởng, hy vọng sự hợp tác hai nước sẽ được mở ra trong nhiều mặt và hiệu quả.
Hợp tác công nghệ thông tin sẽ tạo ra những cơ hội mới
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới thăm Viện Nghiên cứu và Phát triển tin học quốc gia ICI |
Cũng trong sáng 21/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới thăm Viện Nghiên cứu và Phát triển tin học quốc gia ICI.
Bày tỏ vinh dự và chào mừng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – cựu du học sinh và cán bộ ngoại giao Việt Nam tại Romania, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển tin học quốc gia Romania (ICI) Adrian Victor Vevera cho biết: ICI là viện nghiên cứu chiến lược hàng đầu và có bề dày lịch sử hơn 50 năm về phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho Romania.
ICI có vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đã đóng góp động lực cho sự tiến bộ và phát triển của Romania. Các dự án nghiên cứu và ứng dụng công nghệ của ICI không chỉ mang lại những giải pháp tiên tiến mà còn đóng góp vào việc tối ưu hóa các nguồn lực và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Viện là cơ quan thiết lập mạng internet ở Romania, trung tâm dữ liệu, xây dựng dự án điện toán đám mây cho các cơ sở của Nhà nước, xây dựng siêu máy tính, thành lập trung tâm ngoại giao trên không gian mạng, tiên phong trong phát triển công nghệ chuỗi khối (block chain), thành lập trung tâm phục hồi dữ liệu di động; xây dựng sàn giao dịch ảo… Viện ICI hướng đến tương lai với sự tự tin, sẵn sàng cùng với Việt Nam thúc đẩy lĩnh vực này.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng cho biết Việt Nam huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, Việt Nam đã xây dựng và triển khai Chiến lược chuyển đổi số quốc gia; Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia…; đề nghị Viện ICI Romania đặt Việt Nam là một đối tác ưu tiên trong quá trình mở rộng hợp tác quốc tế.
Trước mắt, hai bên cử các đoàn công tác tới nhau để tìm hiểu, cùng xây dựng kế hoạch, chương trình hợp tác; Viện ICI giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Thủ tướng khích lệ các chuyên gia Việt Nam và Romania cùng nhau nghiên cứu và phát triển các dự án hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh mạng và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Thủ tướng khẳng định: “Thời gian có giới hạn, song hợp tác giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), block chain… là không có giới hạn”.
Thủ tướng tin tưởng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực tin học và công nghệ thông tin sẽ tạo ra những cơ hội mới và góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước. Sự kết hợp các ý tưởng và nghiên cứu sẽ làm tăng sức mạnh và tầm nhìn, tạo động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng cho cả Việt Nam và Romania.
Ngay tại buổi làm việc, thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các Bộ, ngành của Việt Nam đã gợi mở, đề xuất các lĩnh vực hợp tác với ICI. Trong đó, Bộ Công an đã kết nối và sau đó sẽ làm việc với ICI để tìm hiểu cơ hội hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng.
Cũng tại cuộc làm việc, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Viện Nghiên cứu và Phát triển tin học quốc gia Romania và Viện Công nghệ số và chuyển đối số quốc gia Việt Nam đã trao Biên bản ghi nhớ về hợp tác.