Nga và 18 năm trầy trật vào WTO

Nga và 18 năm trầy trật vào WTO
TP - Sau 18 năm kiên trì theo đuổi, quyết định về việc Nga gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) có thể sẽ được thông qua vào giữa tháng 12 sắp tới.

Tối 2 - 11 vừa qua, Nga và Gruzia đã chính thức đạt được thoả thuận về việc Nga gia nhập WTO trên cơ sở phương án dung hoà theo đề nghị của Thuỵ Sĩ (nước trung gian đàm phán vì Nga và Gruzia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao). Thoả thuận đó sẽ được hai nước ký tại Geneve vào ngày 9 hoặc 10-11 và sau đó, đến ngày 15-12 việc Nga gia nhập WTO sẽ được Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước thành viên WTO thông qua.

Như vậy, trở ngại cuối cùng trên con đường Nga gia nhập WTO đã được giải quyết. Quá trình phê chuẩn sẽ kéo dài chừng vài tháng trước khi Nga trở thành thành viên đầy đủ thứ 154 của WTO.

Nước Nga bắt đầu quá trình phấn đấu trở thành thành viên của WTO từ năm 1995, ngay khi WTO vừa thành lập. Nhưng trước đó, vào năm 1993, Nga đã nộp đơn xin gia nhập tổ chức tiền thân của WTO là GATT (Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch). Nga hiện nay là nước duy nhất trong khối G-20 chưa phải là thành viên của WTO.

Để đạt được mục đích gia nhập WTO, Nga phải đạt được sự đồng ý của tất cả 153 nước thành viên của WTO. Những trở ngại chính trên con đường Nga gia nhập WTO là lập trường của Mỹ, EC và nhất là Gruzia, quốc gia duy nhất cho tới những ngày gần đây vẫn khăng khăng phản đối việc Nga gia nhập WTO.

Cách đây chừng một tháng, những vấn đề mắc mứu với Mỹ và EC đã được dàn xếp ổn thoả. Nhưng Gruzia, nước gia nhập WTO trước Nga giữ một lập trường hết sức cứng rắn kể từ sau cuộc chiến tranh giữa Nga và Gruzia năm 2008 mà kết quả là 2 vùng lãnh thổ Abkhazia và Nam Osetia tách ra thành 2 quốc gia độc lập được Nga công nhận. Gruzia đòi Matxcơva phải cho phép các đại diện của mình có mặt tại các trạm hải quan ở 2 nước mới tách ra này. Tuy nhiên, đây lại là điều Nga tuyệt đối không thể chấp nhận.

Trước bế tắc này, EC đã phải ra tay can thiệp để hỗ trợ cho Nga bằng cách gây áp lực với Gruzia. Ngày 25-10, Phó Cao ủy về chính sách đối ngoại của EC là Gunnar Viglande đến Tbilisi, thủ đô của Gruzia và chuyển cho chính quyền Gruzia một bản thông điệp đặc biệt của EC. Trong bản thông điệp này, EC cho biết có thể đạt được thủ tục mới cho phép WTO kết nạp thành viên chỉ cần đa số thành viên đồng ý.

Vũ Việt
Tổng hợp từ báo Nga

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.