Nga - Trung bắt tay khám phá vũ trụ

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và người đồng cấp Nga Mikhail Mishustin trong hội nghị trực tuyến ngày 4/12 ảnh: Xinhua
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và người đồng cấp Nga Mikhail Mishustin trong hội nghị trực tuyến ngày 4/12 ảnh: Xinhua
TP - Bắc Kinh và Mátxcơva vừa thông báo sẽ mở rộng hợp tác khám phá vũ trụ và các công nghệ liên quan. Hai nước xích lại gần nhau trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng. 

Sự hợp tác này được thông báo khi tàu thăm dò của Trung Quốc đang đáp xuống Mặt Trăng để thu thập mẫu đất đá, nhằm tiến tới thách thức vị trí vượt trội của Mỹ trong vũ trụ.

Trong hội nghị trực tuyến ngày 4/12,Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và người đồng cấp Nga Mikhail Mishustin cho biết hai bên ra thông cáo chung về kế hoạch hợp tác, Xinhua đưa tin.

Thông cáo chung nói rằng Nga và Trung Quốc sẽ mở rộng hợp tác khám phá Mặt trăng và vũ trụ, công nghệ liên lạc vệ tinh, công nghệ vũ trụ và vệ tinh khoa học Spektra-M mà Nga
đề xuất.

Vệ tinh Spektra-M được đặt mục tiêu nghiên cứu các vật thể nằm sâu trong vũ trụ và tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh, nhưng ngân sách dành cho chương trình này bị cắt giảm từ năm ngoái và dự kiến sẽ phải chờ đến năm 2030 mới có thể phóng lên vũ trụ, báo chí Nga cho biết.

Hai bên cho biết sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài trong công nghệ định vị vệ tinh bằng cách tăng cường tích hợp hai hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc với Glonass
của Nga.

Nga được thừa hưởng các công nghệ vũ trụ từ thời Liên Xô và kinh nghiệm từ quá trình hợp tác với Mỹ. Các nhà khoa học của hai nước làm việc cùng nhau trên chuyến bay vũ trụ thử nghiệm Apollo-Soyuz năm 1975.

Hợp tác Nga - Trung Quốc trong lĩnh vực này, theo chuyên gia Trung Quốc, có thể khiến Mỹ lo lắng về những tiến bộ của Trung Quốc trong không gian. “Là nước làm sau nhưng Trung Quốc đã đạt được những bước phát triển nhanh chóng trên Mặt trăng, sao Hỏa và việc khám phá vũ trụ. Nếu Nga hợp tác với Trung Quốc, hai bên có thể tạo nên một mô hình mới trong vũ trụ, do Mỹ và Trung Quốc dẫn dắt riêng biệt trong tương lai”, ông Song Zhongping, nhà bình luận về quân sự Trung Quốc, nói với báo SCMP.

Với những chương trình vũ trụ liên quan đến các công nghệ lưỡng dụng, vừa phục vụ dân sự vừa có ứng dụng quân sự, hợp tác Nga - Trung sẽ có lợi cho ngành công nghiệp quân sự của cả hai bên, ông Song nói.

Chương trình vũ trụ liên quan đến quân sự của Trung Quốc phát triển nhanh chóng từ khi nước này trở thành quốc gia thứ ba có thể tự đưa phi hành gia vào quỹ đạo năm 2003, muộn hơn 4 thập kỷ so với Liên Xô và Mỹ.

Trung Quốc đưa phòng thí nghiệm tạm thời, mang tên Thiên Cung-1, lên quỹ đạo năm 2011, tiếp nối là trạm thứ hai vào năm 2016. Nước này có kế hoạch đưa một trạm vũ trụ lâu dài lên đó vào đầu năm 2022.

Nga không có trạm vũ trụ độc lập nào còn hoạt động. Trạm cuối cùng của họ là Mir-1 đã trở về Trái đất năm 2001. Vì thiếu tiền, trạm Mir-2 trở thành một phần của Trạm vũ trụ quốc tế do Mỹ dẫn dắt.

Giới quan sát cho rằng việc Bắc Kinh và Mátxcơva hợp tác với nhau trên trạm vũ trụ của Trung Quốc là bước đi thực dụng, vì cả hai đều đang bị Mỹ trừng phạt. Trung Quốc cần kinh nghiệm vũ trụ của Nga, còn Nga muốn tiền đầu tư từ Trung Quốc để duy trì chương trình nghiên cứu vũ trụ của mình và cũng để giúp các nhà khoa học Nga duy trì công việc.

Thiếu tiền là vấn đề đáng kể đối với các nhà khoa học Nga. Chính phủ Mỹ vẫn để Nga là một trong những nhà cung cấp động cơ tên lửa chính cho NASA nhằm ngăn các nhà khoa học chế tạo tên lửa RD-180 của Nga hợp tác với Triều Tiên và Iran. 

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.