Các nhà phân tích quân sự cho rằng động thái này là phản ứng trước mối đe dọa được nhận thấy từ sự phát triển vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc nhưng sẽ có ít tác động ngăn cản việc theo đuổi công nghệ này của Bắc Kinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds đã công bố mối quan hệ đối tác phát triển công nghệ siêu vượt âm hôm thứ Ba, nói rằng Úc đang đầu tư để cung cấp cho Lực lượng Quốc phòng Úc "nhiều lựa chọn hơn để ngăn chặn sự xâm lăng chống lại lợi ích của Úc”, theo tường thuật của Business Insider.
"Chúng tôi thừa nhận vai trò quan hệ đối tác quốc phòng trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh của chúng tôi và khẳng định giá trị của sự hợp tác song phương về công nghệ siêu âm", bà Reynolds nói khi ký một thỏa thuận hợp tác để phát triển các nguyên mẫu tên lửa.
"Đầu tư vào các khả năng ngăn chặn các hành động chống lại Úc cũng mang lại lợi ích cho khu vực của chúng ta, các đồng minh và các đối tác an ninh của chúng ta ... Chúng tôi vẫn cam kết vì hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở, bao trùm và thịnh vượng."
Tên lửa siêu vượt âm di chuyển với tốc độ gấp vài lần tốc độ âm thanh - nhanh hơn nhiều so với vũ khí thông thường - và khiến đối phương có ít thời gian để phản ứng.
Theo báo cáo của Mỹ hồi tháng 8, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 của Trung Quốc có khả năng mang theo một phương tiện bay siêu vượt âm hạt nhân nhưng Mỹ khó có thể triển khai vũ khí siêu vượt âm hoạt động trước năm 2023.
Bà Reynolds không cho biết khi nào các tên lửa trong khuôn khổ hợp tác sẽ hoạt động hoặc chi phí phát triển chúng là bao nhiêu. Nhưng Úc đã dành tới 9,3 tỷ đô la Úc (6,8 tỷ đô la Mỹ) trong năm nay cho các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa, tốc độ cao, bao gồm cả nghiên cứu công nghệ siêu vượt âm.
Michael Kratsios, quyền thứ trưởng phụ trách nghiên cứu và kỹ thuật của Bộ Quốc phòng Mỹ, nói sự hợp tác này có thể đảm bảo Mỹ và các đồng minh dẫn đầu thế giới trong việc phát triển loại năng lực có thể thay đổi các hoạt động tác chiến này.
Thông báo được đưa ra sau một thỏa thuận được ký vào tuần trước giữa Úc và Mỹ có nội dung bay thử nghiệm tên lửa hành trình siêu vượt âm nguyên mẫu kích thước đầy đủ.
Nó cũng được đưa ra trong bối cảnh các thông tin nói rằng Trung Quốc đã đạt được tiến bộ trong việc phát triển vũ khí quân sự cao cấp, bao gồm tên lửa siêu vượt âm và máy bay không người lái.
Theo một báo cáo do Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ công bố vào tuần trước, Trung Quốc có cơ sở hạ tầng nghiên cứu và phát triển mạnh mẽ dành cho vũ khí siêu vượt âm.
Báo cáo cho biết Trung Quốc đã tiến hành một số vụ thử nghiệm thành công DF-17, một tên lửa đạn đạo tầm trung được thiết kế đặc biệt để phóng các phương tiện bay siêu âm và một tên lửa hành trình siêu vượt âm mới trên không nhằm mở rộng khả năng tấn công của không quân Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đã thử nghiệm thành công Tinh Không 2, một nguyên mẫu phương tiện siêu vượt âm có khả năng hạt nhân, vào tháng 8 năm 2018. Ngoài ra, Nga đang theo đuổi hai chương trình vũ khí siêu vượt âm - Avangard và 3M22 Tsirkon.