TPO - Dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, tờ Izvestia cho biết, Nga có kế hoạch triển khai xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3 tới quần đảo tranh chấp Kuril/Chishima.
Trên quần đảo Kuril/Chishima, T-72B3 có thể được sử dụng để tiêu diệt các lực lượng tấn công và tàu nhỏ của đối phương.
Ưu điểm chính của xe tăng T-72B3 nâng cấp là sự kết hợp giữa ống ngắm quang học và tên lửa dẫn đường bắn từ pháo xe tăng 125 mm nòng trơn.
Việc trang bị lại với thiết bị mới và quá trình phát triển của nó sẽ mất tới hai năm.
“T-72B3 là một phương tiện khá hiện đại. So với phiên bản gốc, phiên bản này được trang bị động cơ tăng công suất, hệ thống ngắm ảnh nhiệt, hệ thống điều khiển hỏa lực và thông tin liên lạc được cải tiến và bổ sung khả năng bảo vệ ”, chuyên gia quân sự Nga Alexei Khlopotov cho biết.
Lục quân Nga hiện có gần 3.000 xe tăng chiến đấu chủ lực trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, gồm 2.000 xe tăng T-72B các loại và gần 1.000 chiếc T-80, T-90A. Quân đội Nga hiện đã nâng cấp khoảng 1.400 chiếc T-72 lên chuẩn T-72B3, bảo đảm khả năng chiến đấu và sống sót không thua kém mũi nhọn T-80, T-90A của các đơn vị tinh nhuệ. Những chiếc T-72B3 đầu tiên sử dụng động cơ V-84-1 nguyên bản với công suất 840 mã lực. Tuy nhiên, các loạt xe sau này đều được lắp động cơ V-92S2F với công suất 1.130 mã lực, cho phép chúng đạt tốc độ tối đa tới 77 km/h. Trang bị Sosna-U giúp T-72B3 sở hữu khả năng tìm - diệt (hunter-killer). Lái xe có thể tìm kiếm và quay pháo về phía mục tiêu, pháo thủ chỉ việc điều chỉnh đường ngắm chính xác và khai hỏa. Trong lúc đó, trưởng xe tiếp tục phát hiện mục tiêu mới. Sosna-U cho phép kíp xe T-72B3 phát hiện, nhận diện mục tiêu xe tăng từ khoảng cách 10.500 m vào ban ngày và 2.200 m ban đêm trong mọi điều kiện thời tiết. Pháo 2A46M5 đời mới trên T-72B3 có độ chụm đạn cao hơn nhiều so với phiên bản cũ, tương đương với pháo Rheinmetall Rh-120 L/44 trên xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất. Hệ thống nạp đạn tự động nâng cấp cho phép T-72B3 sử dụng nhiều biến thể đạn APFSDS và tên lửa mới được phát triển cho T-90A. Quần đảo Kuril theo cách gọi của Ngahay quần đảo Chishima theo cách gọi của Nhật Bản nay thuộc tỉnh Sakhalin của Nga, là một quần đảo núi lửa trải dài khoảng 1.300 km về phía đông bắc từ Hokkaidō, Nhật Bản tới Kamchatka của Nga, ngăn biển Okhotsk bên tây bắc và Thái Bình Dương phía đông nam. Quần đảo này có khoảng 56 đảo và nhiều đảo đá nhỏ khác.
Quần đảo Kuril, đã bị lực lượng Liên Xô đánh chiếm sau khi Nhật Bản đầu hàng Lực lượng Đồng minh vào năm 1945.
Kết quả là bất đồng về việc nước nào có quyền sở hữu hợp pháp đối với quần đảo trên đã làm rạn nứt quan hệ giữa hai nước, góp phần khiến họ tiếp tục không ký được hiệp ước hòa bình Thế chiến II.