Nga triển khai hệ thống rải mìn Zemledeliye ở Zaporizhzhia để ngăn lực lượng Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Quân đội Nga được cho là đang sử dụng hệ thống rải mìn Zemledeliye để cản trở bước tiến của lực lượng vũ trang Ukraine trên hướng Zaporizhzhia, theo Defense Express.

Trong tuần qua, lực lượng vũ trang Ukraine được cho là đã bắt đầu tiếp cận tuyến phòng thủ then chốt của lực lượng Nga ở khu vực Zaporizhzhia, phía Đông Nam Ukraine. Trong bối cảnh đó, Nga được cho là đã huy động các đơn vị rải mìn Zemledeliye nhằm đối phó và ngăn chặn các cuộc tấn công của Ukraine.

Nga triển khai hệ thống rải mìn Zemledeliye ở Zaporizhzhia để ngăn lực lượng Ukraine ảnh 1

Zemledeliye là một trong những vũ khí mới nhất của quân đội Nga, mới được thông qua cấp nhà nước vào tháng 12/2020 và được triển khai lần đầu trong cuộc tập trận Zapad 2021.

Thông tin về việc lực lượng Nga sử dụng hệ thống Zemledeliye trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine lần đầu tiên được biết đến vào tháng 3/2022 trong các trận chiến ở vùng Kharkiv.

Ở thời điểm hiện tại, số lượng chính xác các hệ thống rải mìn Zemledeliye trong quân đội Nga và mức độ sản xuất hằng năm của tổ hợp công nghiệp-quân sự Nga vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, đây là một hệ thống vũ khí đem lại hiệu suất vượt trội trong việc phá hủy phương tiện thiết giáp và xe tăng của đối phương.

Zemledeliye là hệ thống rải mìn từ xa, được thiết kế và phát triển bởi Hiệp hội nghiên cứu và sản xuất Splav thuộc Tập đoàn Nhà nước Rostec.

Mỗi hệ thống Zemledeliye được đặt trên khung gầm xe KamAZ bọc thép, trang bị hai khối gồm 25 ống phóng với 25 quả tên lửa cỡ 122 mm có gắn mìn triển khai từ xa. Tầm bắn của các hệ thống này là 5-15 km.

Theo nguồn dữ liệu quân sự, một phát bắn loạt từ hệ thống đủ để bao phủ một khu vực rộng lớn. Mỗi khối phóng có thể được trang bị tên lửa hỗn hợp cùng mìn chống tăng và chống bộ binh.

Việc chuẩn bị phóng tên lửa và ngắm bắn hoàn toàn tự động. Để làm được điều này, Zemledeliye được trang bị hệ thống định vị vệ tinh, máy tính và trạm khí tượng riêng.

Theo đó, thông tin về tọa độ nơi rơi tên lửa được truyền về sở chỉ huy. Ở đó, vị trí, cấu hình và kích thước chính xác của bãi mìn được đánh dấu trên bản đồ điện tử. Điều này giúp quân đội có thể vượt qua bãi mìn mà không bị cản trở và sau khi kết thúc nhiệm vụ, có thể dễ dàng vô hiệu hóa bãi mìn.

Theo Defense Express, Sputnik
MỚI - NÓNG