“Chúng tôi đang phát triển thế hệ tên lửa chống tăng hoàn toàn mới có khả năng tự dẫn cao. Thế hệ tên lửa chống tăng mới sẽ sử dụng nguyên lý “bắn-quên-tự tìm mục tiêu”, ông M. Matveevsky cho biết.
Theo lời ông M. Matveevsky, nguyên tắc chính của tổ hợp tên lửa chống tăng mới là nâng cao hiệu quả xuyên giáp, khả năng kháng nhiễu cao và tự động hóa. Các thông tin khác về tổ hợp tên lửa chống tăng mới không được công bố.
Theo nhiều nguồn tin công khai, Tổ hợp nghiên cứu chế tạo máy Kolomna đang phát triển thế hệ đạn tên lửa chống tăng Ataka hay Storm-M mới với khả năng tự dẫn cao và đầu đạn xuyên phá kiểu mới. Đạn tên lửa chống tăng mới có tầm bắn tới 8km, sử dụng phương thức dẫn đường vô tuyến (tránh được các phương thức gây nhiễu, đánh lừa bằng lựu khói hoặc đối kháng điện tử) và hệ thống đầu tự dẫn nâng cấp.
Tên lửa mới sử dụng hai dạng đầu đạn khác nhau, gồm: Chống tăng để tiêu diệt các phương tiện thiết giáp của đối phương, kể cả khi chúng được trang bị giáp phản ứng nổ ERA; nhiệt áp để tiêu diệt sinh lực đối phương ẩn nấp trong công sự kiên cố. Khả năng xuyên phá của đạn tên lửa mới theo tính toán vượt qua 1m giáp thép cán tiêu chuẩn (RHA).
Điểm đặc biệt là nhờ trần bắn cao, tốc độ bay của đạn vượt ngưỡng tường âm thanh, đạn tên lửa mới có thể được sử dụng để bắn các mục tiêu bay thấp hoặc cơ động chậm. Đạn tên lửa mới phù hợp để trang cá nhân hoặc trên tổ hợp tên lửa diệt tăng tự hành Khrizantema và trên các phương tiện bay Lục quân.
Hiện tại, quân đội nhiều quốc gia trên thế giới đã trang bị các tổ hợp tên lửa chống tăng với nguyên lý "bắn-quên" như: Javelin (Mỹ) hay Spike (Israel). Các dòng tên lửa chống tăng loại này cho phép kíp xạ thủ ngay sau khi khai hỏa có thể thoát ly để tránh bị đánh trả.