Nga – Mỹ đối đầu trên 'mặt trận' Syria

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã 2 lần điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov về vấn đề Syria.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã 2 lần điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov về vấn đề Syria.
Mỹ tiếp tục đấu với Nga tại mặt trận mới ở Syria. Trong khi lớn tiếng chỉ trích Nga tăng cường khí tài quân sự cũng như nhân sự hỗ trợ Syria chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Mỹ vẫn đang trực tiếp hỗ trợ, huấn luyện cho phiến quân đối lập chống Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Nga chưa bao giờ giấu giếm hợp tác về kỹ thuật quân sự với Syria

Trong khi Mỹ huấn luyện cho quân nổi dậy tại Syria thì Nga tăng cường viện trợ cho Chính phủ Al-Assad. Ngày 5/9, Mỹ đã yêu cầu các đồng minh trong đó có Hy Lạp, Bulgaria, Ukraine… cấm các chuyến bay tiếp vận của Nga sử dụng không phận Hy Lạp. Truyền thông Nga nói rằng, hoạt động của Moscow nằm trong khuôn khổ một kế hoạch tăng cường yểm trợ cho chính quyền Al-Assad chiến đấu chống lại IS.

Ngày 3/9, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, Mỹ biết được tin tức về nhân viên quân sự và máy bay của Nga được triển khai tại Syria. Ngày 5/9, trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ những quan ngại về những tin tức cho biết Nga đang tăng cường lực lượng quân sự tại Syria.

Theo tờ New York Times, Nga đã phái một toán quân sự tiền tiêu đến Syria. Báo này nói thêm là động thái này bao gồm hoạt động mới đây như chuyển giao một trạm kiểm soát không lưu di động tại đây.

Theo CNN, ngày 9/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gọi điện thoại lần thứ hai cho Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov để phản ánh vấn đề truyền thông đưa tin về việc Nga tăng cường hiện diện quân sự cũng như gia tăng hỗ trợ khí tài hạng nặng cho Chính phủ Syria.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Lavrov, ông Kerry nhắc lại mối bận tâm của cá nhân ông và nước Mỹ trước vấn đề này. Ông Kerry nhấn mạnh rằng, bạo lực có khả năng leo thang nếu Nga thật sự tăng cường hỗ trợ quân sự, khí tài cho Syria. Đáp lại sự quan ngại của Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga đã khẳng định việc Nga hỗ trợ quân sự cho Syria là hoạt động bình thường được thực hiện theo hợp đồng đã ký kết từ nhiều năm nay giữa 2 nước.

“Nước Nga chưa bao giờ giấu giếm sự hợp tác về kỹ thuật quân sự với Syria. Các chuyên gia quân sự Nga giúp người Syria nắm vững các khí tài do Nga sản xuất” – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói hôm 9/9. Mặc dù không nêu chi tiết và số liệu cụ thể, nhưng bà Zakharova nêu rõ rằng, Nga cũng sẽ cân nhắc “các biện pháp bổ sung để tăng cường các nỗ lực chống khủng bố ở Syria nếu cần thiết”, khẳng định việc Nga hỗ trợ Chính phủ Syria hoàn toàn chỉ nhằm mục đích chống lại các phiến quân Hồi giáo cực đoan.

Trước đó, hôm 5-/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ thông tin trên báo chí phương Tây nói rằng binh sĩ chính quy của Nga đang tham gia chiến đấu ở Syria.

Mỹ đang theo dõi rất sát động tĩnh tại tỉnh Latakia và quân cảng Tartus của Syria. Các vệ tinh do thám của Mỹ và phương Tây đã quan sát được những động thái gia tăng quân sự của Nga trên mặt đất tại sân bay Assad ở tỉnh Latakia, cụ thể là việc xây dựng các nhà tiền chế phục vụ cho việc lưu trú và chứa máy bay.

Ngày 10/9, báo chí phương Tây tiếp tục đưa tin vệ tinh Mỹ đã quan sát thấy 3 máy bay vận tải quân sự của Nga loại Antonov An-124 Condor đã đáp xuống sân bay quốc tế Assad ở tỉnh Latakia. Trong khi đó, 2 chiếc tàu vận tải quân sự Nga cũng đã cập cảng Tartus và bốc dỡ. Sau đó, vệ tinh Mỹ quan sát thấy hàng chục phương tiện vận chuyển quân sự và một số quân nhân thuộc lực lượng Hải quân đánh bộ xuất hiện tại đây.

Ngay sau khi những thông tin trên được truyền thông Mỹ và nhiều nước châu Âu đăng tải, Chính phủ Mỹ đã có động thái cụ thể nhằm ngăn không cho Nga đưa khí tài quân sự đến Syria. Nhận thấy việc vận chuyển khí tài và nhân sự quân sự bằng máy bay từ căn cứ Sevastopol ở Nga sang Syria phải đi vòng qua không phận 2 nước Bulgaria và Hy Lạp, Chính phủ Mỹ đã yêu cầu chính phủ các nước này đóng cửa không phận không cho máy bay vận tải quân sự của Nga bay qua. Bulgaria còn “cắc cớ” ra điều kiện nếu Nga đồng ý mở các kiện hàng cho kiểm tra thì mới cho bay qua.

Theo Hãng tin Tass, do bị ngăn cản ở Bulgaria và Hy Lạp, máy bay Nga đã phải bay vòng qua biển Caspian qua không phận Iran sau khi nhận được sự đồng ý nhanh chóng của Tehran (một đồng minh thân cận của Syria).

Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng phàn nàn về việc phương Tây đang gây ồn ào quá trớn về những động thái hỗ trợ quân sự của Nga dành cho Syria. Nga cũng phản bác Mỹ và phương Tây thiếu công bằng trong việc tìm kiếm giải pháp chấm dứt nội chiến, mang lại hòa bình cho Syria. Mỹ đang vừa đá bóng vừa thổi còi, một mặt chỉ trích Nga tăng cường quân sự cho Syria, mặt khác lại đang hỗ trợ hậu cần, huấn luyện cho phiến quân đối lập chống IS và chống Chính phủ Syria.

Nga – Mỹ đối đầu trên 'mặt trận' Syria ảnh 1

Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov (trái) trong một cuộc họp ở Moscow, Nga, hôm 10/9 cho biết những cố vấn quân sự của Nga đang ở Syria để giúp các lực lượng vũ trang của nước này bảo trì thiết bị gửi từ Nga, nhưng không tham gia chiến đấu.

Khách quan mà nói, việc Nga tăng cường hỗ trợ quân sự cho Syria vào thời điểm này có ý nghĩa nhất định, nhằm mục đích hỗ trợ thiết thực cho Chính phủ Syria. Trên chiến trường, quân đội Chính phủ Syria đang gặp một số khó khăn khi phải trải quân chiến đấu chống lại cùng lúc nhiều thành phần phiến quân: phiến quân đối lập FSA làm nòng cốt do Mỹ và châu Âu hỗ trợ, phiến quân Hồi giáo cực đoan Jabhat al-Nusra có liên hệ với Al-Qaeda do Arập Xêút chống lưng, và nguy hiểm nhất là IS.

Mới đây nhất, ngày 9/9, Truyền hình Quốc gia Syria đã đưa tin quân đội Chính phủ Syria đã để mất căn cứ Abu Zuhour, căn cứ quân sự cuối cùng tại tỉnh Idlib vào tay phiến quân Al-Nusra. Hiện tại, Chính phủ của ông Assad còn kiểm soát không đến 50% lãnh thổ Syria, chủ yếu là các tỉnh miền Tây và Tây Nam Syria. Nếu sự hỗ trợ của nước Nga không đến kịp thời vào lúc này, rất có thể tình hình Syria sẽ đi theo chiều hướng cực kỳ xấu. IS rất có thể sẽ chiếm toàn bộ lãnh thổ Syria, và nguy cơ IS mở rộng vùng lãnh thổ ra toàn khu vực là rất cao.

Phương Tây đang loay hoay trong phương án đánh bom IS không mấy hiệu quả, không đưa ra được mô hình, giải pháp khả thi nào để giải quyết ổn thỏa cuộc nội chiến tại Syria nhằm thống nhất lực lượng chống IS, mà chỉ chăm chăm vào việc “Assad phải ra đi” để cho lực lượng đối lập do Mỹ và phương Tây ủng hộ lên nắm quyền.

Nga muốn những gì tự mình làm hơn là để kẻ khác thương hại

Cuộc khủng hoảng tại Syria đang nóng trở lại sau 4 năm bị “lãng quên”. Các giới chức ở Washington e rằng những hành động mới đây là một phần trong chiến lược của Moscow nhằm nới rộng ảnh hưởng và tìm cách đối trọng với Mỹ ở Trung Đông.

John Herbst, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine, hiện là Giám đốc Trung tâm Âu - Á của Hội đồng Đại Tây Dương, nói: “Những hành động của Nga ở Syria là nhằm gia tăng hoạt động mua bán vũ khí trên khắp vùng Trung Đông, kể cả với các nước đồng minh của Mỹ như Ai Cập, Arập Xêút và Iraq. Điều này phương hại tới quyền lợi và ảnh hưởng của Mỹ, và với một mức độ ít hơn, phương hại tới quyền lợi và ảnh hưởng của phương Tây”.

Các nhà phân tích cho rằng một mục đích khác của Nga khi trở lại Syria là nhằm thoát khỏi tình trạng cô lập do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga do việc can dự vào cuộc khủng hoảng Ukraine.

Bên lề diễn đàn kinh tế Vladivostok, Moscow đề xuất thành lập một liên quân quốc tế chống IS, thay thế cho liên quân hiện nay do Mỹ dẫn đầu. Liên quân do Nga đề nghị sẽ bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Arập Xêút hay Jordani và nhất là có sự tham gia của chính quyền Damas.

Đối với các nước Arập, một liên quân có sự tham gia của Bashar al-Assad là không thể chấp nhận. Theo tờ Le Monde (Pháp), phía Arập dường như đưa ra một cuộc đổi chác lớn, theo đó, nếu Nga từ bỏ Bashar al-Assad, đổi lại khối này sẽ giảm bớt lượng sản xuất dầu thô để làm tăng giá dầu. Tuy nhiên, Nga muốn những gì tự mình làm hơn là để kẻ khác thương hại.

Theo giải thích của tờ New York Times, ông Putin rất có thể có trong tay nhiều lá bài: “Khi mở rộng ảnh hưởng quân sự tại Syria, Nga rất có thể ở trong thế mạnh hơn để nhào nặn một thỏa thuận tương lai và nhằm khuyến khích đồng minh chia sẻ quyền lực”.

Nga – Mỹ đối đầu trên 'mặt trận' Syria ảnh 2

Mỹ huấn luyện phiến quân chống Chính phủ Syria tại một căn cứ ở Jordan. 

Trong khi các đồng minh đang muốn đối thoại với chính quyền Damascus để chống IS thì Mỹ thông báo chuẩn bị cải tổ lực lượng chống Tổng thống Al-Assad ở Syria.


Tờ New York Times hôm 9/9 dẫn lời 4 giới chức cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng và chính quyền Obama nói rằng họ đang lập kế hoạch để sửa đổi chương trình huấn luyện cho phe nổi dậy Syria có lập trường ôn hòa để chống lại IS tại Syria và xa hơn nữa là để đối đầu với quân đội của Tổng thống Al-Assad.

Theo New York Times, những đề nghị thay đổi được đưa ra sau một cuộc tấn công ngày 31/7 vừa qua nhắm vào 54 thành viên của lực lượng nổi dậy Syria tốt nghiệp các khóa huấn luyện của Mặt trận Al-Nusra (NSF), một chi nhánh của Al-Qaeda tại Syria.

Theo những đánh giá mật, phe nổi dậy Syria không được chuẩn bị kỹ càng cho vụ tấn công, quân số quá ít, thiếu sự hỗ trợ của địa phương và được thực hiện vào dịp lễ Eid khi nhiều thành phần được tuyển mộ nghỉ phép để thăm thân nhân.

Trong số những giải pháp để cải thiện chương trình trị giá 500 triệu USD có việc mở rộng lực lượng, chuyển việc triển khai lực lượng này để đảm bảo có sự ủng hộ của địa phương và tăng tiến tình báo. Chương trình huấn luyện và trang bị được Lực lượng Đặc biệt Mỹ điều hành tại Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.

Chương trình này tách biệt với một chương trình bí mật do CIA thực hiện. Vì có một tiến trình kiểm tra rất kỹ lưỡng nên chỉ có vài chục người được nhận trong số hàng nghìn người đệ đơn. Sau một năm, những người ủng hộ công nhận là chương trình không cung ứng được con số 5.000 chiến binh được huấn luyện như đã dự trù trước đây.

Cựu Đại sứ James Jeffrey, hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Trung Đông ở Washington, nói chương trình không đủ mạnh để đối phó với hàng nghìn chiến binh IS tại Syria.

“Quân đội đang kiềm chế IS, và đang làm khá tốt việc này. Tuy nhiên, nỗ lực quân sự này sẽ không hủy diệt được IS. Chúng ta đã vũ trang cho người Syria trong một chiến dịch của CIA trong nhiều năm với sứ mạng là chiến đấu chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Hiện nay sứ mạng mới và ưu tiên hàng đầu là chống IS, nhưng chúng ta chưa bao giờ thực hiện bất cứ nỗ lực nào cho việc này. Đó là lý do tại sao chúng ta chỉ có được 50 người. Đây là một chương trình tiêu tốn nửa tỉ USD. Chương trình này dự trù đào tạo 5.000 chiến binh”- Jeffrey nói với New York Times.

Cho đến nay, chỉ có nước Nga đưa ra được một phương án khả thi cho việc chấm dứt nội chiến Syria và tạo ra một liên minh quốc tế mới để chống IS một cách hiệu quả. Tổng thống Putin đã lên tiếng kêu gọi phương Tây, nhất là Mỹ, nên xem xét liên kết với Chính phủ Syria để tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm chống IS một cách hiệu quả thiết thực, hơn là chỉ lo chống đối ông Assad.

Sau 4 năm đất nước Syria chìm vào xung đột đẫm máu, đẩy hàng triệu người dân bỏ nhà cửa chạy tị nạn khắp nơi, rơi vào những thảm cảnh tang thương. Quốc tế vẫn bất lực không tiêu diệt được quân IS, cũng như không tìm được một giải pháp chính trị nào cho Syria. Khủng hoảng Syria vẫn là một bài toán không lời giải, bởi vì các bên liên quan đều theo đuổi những lợi ích riêng cho dù đến lúc này ai cũng nhìn thấy kẻ thù chung là IS.

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG