Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. (Ảnh: Reuters) |
Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin ngày 26/3 thông báo Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus theo yêu cầu của Minsk, giống với những gì Mỹ đã làm trong nhiều năm qua trên lãnh thổ của các đồng minh.
Phát biểu trên truyền hình nhà nước Belarus, Đại sứ Nga tại Minsk - ông Boris Gryzlov cho biết những vũ khí "sẽ được chuyển đến biên giới phía Tây của Nhà nước liên minh Nga – Belarus và sẽ giúp tăng cường khả năng đảm bảo an ninh".
“Việc này sẽ được thực hiện bất chấp lời bàn tán từ châu Âu và Mỹ”, ông Gryzlov nói.
Đại sứ Gryzlov cũng xác nhận một cơ sở lưu trữ vũ khí sẽ được hoàn thành theo lệnh của Tổng thống Putin trước ngày 1/7.
Belarus có biên giới phía Bắc giáp Lithuania và Latvia, biên giới phía Tây giáp Ba Lan. |
Belarus có chung đường biên giới dài 1.250km với ba nước thành viên NATO là Latvia, Lithuania và Ba Lan. Những khu vực này đều được coi là sườn phía Đông của NATO, vốn đã được tăng cường binh sĩ và thiết bị quân sự sau khi xung đột bùng phát ở Ukraine.
Mỹ và các đồng minh khác của Kiev cho biết họ lo ngại về khả năng Nga sẽ gửi vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga cho biết người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko từ lâu đã nêu vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus.
Ông Putin đảm bảo rằng thỏa thuận với Belarus không vi phạm nghĩa vụ quốc tế của hai nước về không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nga cũng sẽ chỉ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus, chứ không chuyển giao số vũ khí này cho Minsk.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật có tầm bắn tương đối ngắn và năng suất thấp hơn nhiều so với đầu đạn hạt nhân trang bị cho tên lửa chiến lược tầm xa.
Tổng thống Belarus Lukashenko hôm 31/3 cho biết Minsk cũng sẽ cho phép Nga đặt tên lửa hạt nhân xuyên lục địa ở nước này nếu cần thiết.