New York Times: Mỹ cấp tin tình báo giúp Ukraine tấn công các tướng lĩnh Nga

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mỹ đang cung cấp thông tin tình báo giúp Ukraine xác định mục tiêu và giết hại nhiều tướng lĩnh của quân đội Nga trên chiến trường Ukraine, báo New York Times dẫn thông tin từ các quan chức cấp cao Mỹ cho biết.
New York Times: Mỹ cấp tin tình báo giúp Ukraine tấn công các tướng lĩnh Nga ảnh 1

Mỹ cung cấp thông tin tình báo giúp Ukraine nhắm vào các vị tướng lĩnh cấp cao của Nga. (Ảnh: NYT)

Ukraine khẳng định đã hạ được khoảng 12 tướng lĩnh quân đội Nga trên tiền tuyến, con số gây kinh ngạc cho các nhà phân tích quân sự. Các quan chức Mỹ từ chối tiết lộ cụ thể số lượng tướng lĩnh Nga bị tấn công từ thông tin do Washington cung cấp.

Những thông tin tình báo bao gồm dự báo hướng di chuyển của quân Nga dựa trên những gì Mỹ thu thập được về kế hoạch tác chiến bí mật của Mátxcơva ở vùng Donbas.

Các quan chức Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang bí mật cung cấp thông tin tình báo về chiến trường theo thời gian thực cho Ukraine. Những thông tin đó bao gồm dự báo hướng di chuyển của quân Nga dựa trên những gì Mỹ thu thập được về kế hoạch tác chiến bí mật của Mátxcơva ở vùng Donbas.

Mỹ tập trung vào việc cung cấp vị trí và thông tin cụ thể về các trụ sở di động của quân đội Nga. Giới chức Ukraine kết hợp thông tin địa lý với thông tin tình báo của riêng họ, trong đó có thông tin nghe lén qua tín hiệu điện thoại và radio, rồi báo cho quân đội về sự có mặt của các quan chức cấp cao Nga ở Ukraine để họ tấn công bằng pháo hoặc các hình thức khác.

Chia sẻ thông tin tình báo là một phần trong sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine, bên cạnh viện trợ vũ khí và tiền, cho thấy chính quyền Mỹ đã không còn giữ cách tiếp cận kiềm chế trong hậu thuẫn Ukraine, khi cuộc xung đột đã bước sang giai đoạn mới và có thể kéo dài.

Từ khi rút khỏi vùng thủ đô Kiev, Nga đang sắp xếp lại lực lượng để tập trung hơn vào miền đông và nam Ukraine.

Các quan chức Mỹ khẳng định sự hỗ trợ tình báo dành cho Ukraine phát huy hiệu quả mang tính quyết định trên chiến trường, xác nhận mục tiêu mà quân Ukraine đã nhận dạng và chỉ điểm mục tiêu mới.

Từ khi rút khỏi vùng thủ đô Kiev, Nga đang sắp xếp lại lực lượng để tập trung hơn vào miền đông và nam Ukraine.

Chính quyền Mỹ giữ bí mật chuyện hỗ trợ thông tin tình báo chiến trường cho Ukraine, vì sợ rằng điều này bị coi là hành động leo thang và khiến xung đột lan rộng. Giới chức Mỹ không tiết lộ cách họ thu thập thông tin về các trụ sở quân sự của Nga vì sợ hỏng phương pháp. Nhưng trong suốt cuộc xung đột, các cơ quan tình báo Mỹ đã sử dụng nhiều nguồn tin khác nhau, bao gồm vệ tinh bí mật và vệ tinh thương mại, để theo dấu di chuyển quân của Nga.

Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng Mỹ “muốn thấy Nga yếu đến mức độ không thể làm những việc như đã làm ở Ukraine”.

Khi được hỏi về vấn đề này, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby thừa nhận Mỹ đang cung cấp cho Ukraine thông tin tình báo “để giúp họ tự bảo vệ mình”.

Không phải tất cả các cuộc tấn công của Ukraine đều dựa trên tin tình báo của Mỹ. Các quan chức Mỹ cho biết, cuộc tấn công của Ukraine vào một vị trí ở miền đông Ukraine, nơi Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga – Tướng Valery Gerasimov, đang có chuyến thăm vào cuối tuần qua, đã diễn ra mà không có sự hỗ trợ của Mỹ.

Bên cạnh đó, chính quyền Biden còn cung cấp cho Ukraine vũ khí mới để giúp nước này nâng cao khả năng tấn công các sĩ quan cấp cao của Nga. Phiên bản nhỏ hơn của máy bay tấn công tự sát không người lái Swichblade có thể nhận dạng và tấn công người ngồi trong xe đang di chuyển.

Giới chức Mỹ thừa nhận Washington bắt đầu cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine từ trước khi Nga mở chiến dịch quân sự vào ngày 24/2. Trước thời điểm này, tình báo Mỹ cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công vào sân bay Hostomel ở phía bắc Kiev, giúp Ukraine tăng cường phòng thủ. Nga cuối cùng không thể giữ sân bay này.

Theo các quan chức nghỉ hưu và đương nhiệm Mỹ, dù thông tin mà Mỹ cung cấp cho Ukraine rất giá trị, nhưng bản thân các tướng Nga cũng tự để lộ mình khi liên lạc bằng điện thoại và radio không bảo mật tốt.

Một số quan chức châu Âu tin rằng dù liên tục cảnh báo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng Tổng thống Vladimir Putin đến nay vẫn không muốn xung đột lan rộng. Trong mấy tuần nay, giới chức Mỹ đang tranh luận vì sao ông Putin không làm nhiều hơn nữa để gây tổn thất nặng nề hơn cho Ukraine và phương Tây.

Các quan chức phương Tây tin rằng Mátxcơva có tính toán của riêng họ, bao gồm khả năng xử lý một cuộc chiến lớn hơn, nhất là nếu NATO kích hoạt điều khoản về phòng thủ tương hỗ.

Theo New York Times
MỚI - NÓNG