Nếu không có penalty...

Nếu không có penalty...
TP - ...Thì người Anh có thể đã vô địch Euro. Nhưng thực tế những quả penalty vẫn hiện diện như một phần không thể thiếu của bóng đá. Còn Tam Sư vẫn cam phận là kẻ thất bại khi họ lại đắm mình trong kí ức quen thuộc về những nỗi đau trên chấm 11m.

> Với người Anh, sút penalty là nỗi ám ảnh

Nỗi buồn của các cầu thủ Anh khi thêm một lần ôm hận trên chấm 11m. Ảnh: Getty Images
Nỗi buồn của các cầu thủ Anh khi thêm một lần ôm hận trên chấm 11m. Ảnh: Getty Images.

Roy Hoghson đã đến và làm được nhiều điều giúp tuyển Anh gần như lột xác. Tam Sư bước vào Euro 2012 với tinh thần mới, lối chơi mới và nhiều kỳ vọng về việc họ sẽ làm được những điều mới mẻ với nền bóng đá xứ sương mù.

Người Anh đã đăng quang World Cup (năm 1966) và họ cần thêm một chức vô địch Euro nữa để gia nhập nhóm những đại gia từng đoạt cả hai danh hiệu cao quý nhất làng túc cầu thế giới ở cấp độ đội tuyển. Nhưng tuyển Anh vẫn thất bại bởi những lý do xưa cũ: chết trên chấm 11m.

Đó là nỗi đau khắc khoải suốt hai thập kỷ qua khi trong khoảng thời gian đó đội bóng của nơi tự nhận là quê hương của túc cầu đã 5 lần thất bại ở loạt luân lưu định mệnh.

Họ đã 3 lần dừng chân tại World Cup 1990 (trước Đức với tỷ số 4-3), 1998 (Argentina 4-3) và 2006 (Bồ Đào Nha 3-1).

Tại đấu trường Euro, Anh cũng 2 lần thua tại Euro 1996 (trên sân nhà trước Đức 6-5), Euro 2004 (trước Bồ Đào Nha 6-5). Và rạng sáng qua, thầy trò Roy Hoghson đã thất bại trước Italia trên chấm phạt đền để trở thành khán giả tại Euro 2012.

Những con số thống kê cho thấy người Anh rất kém ở loạt penalty định mệnh.

Họ đã có 35 lần bước lên chấm 11m nhưng chỉ thực hiện thành công 21 lần và chỉ thắng 1 lần duy nhất (trước Tây Ban Nha ở tứ kết Euro 1996) trong số 7 trận giải quyết bằng phạt đền.

Chân sút đã vậy, người bắt cũng lởm không kém. Trong 9 giải đấu lớn Anh tham dự từ năm 1990, các thủ môn chỉ đẩy được 3 trong 31 quả.

Trong số đó, thủ thành Seaman có 2 lần cứu thua trong số 15 lần đối mặt với các tiền đạo đối phương. Con số này của David James là 0-7, Paul Robinson là 1-5, và thủ thành kỳ cựu và nổi tiếng như Peter Shilton là 0-4.

Đêm qua, Joe Hart, dù được đánh giá rất cao cũng chẳng chặn nổi quả đá nào từ phía các cầu thủ Italia.

Chẳng thế mà HLV Roy Hoghson gọi những quả sút luân lưu là nỗi ám ảnh của các cầu thủ Anh qua nhiều thế hệ. Đội trưởng Gerrard có lẽ là người đau khổ nhất khi trong sự nghiệp anh đã 3 lần (2004, 2006 và 2012) phải chịu cảm giác đau đớn từ thất bại trên loạt penalty định mệnh.

Những tên tuổi nổi tiếng khác từng phải đau đớn khi đá ra ngoài từ khoảng cách 11m là David Beckham, Gareth Southgate hoặc Ashley Cole (người từng thành công cách đây vài tháng khi cùng Chelsea đánh bại Bayern Munich tại chung kết Champions League).

Cây bút trào phúng nổi tiếng Aziz Nesin từng kể câu chuyện hài hước về một nhà văn dự định viết nên tác phẩm đoạt giải Nobel nhưng rồi mãi không thực hiện được vì những lý do khách quan.

Cuối cùng, không còn gì để đổ lỗi, ông nhà văn này than thở giá không có những con ruồi bay qua lại làm mất tập trung thì có lẽ ước nguyện đã hoàn thành.

Theo bước Aziz Nesin khi xưa, người Anh có lẽ nên ao ước: giá bóng đá không có những quả penalty...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG