Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh Covid-19 TPHCM diễn ra tối 25/2, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã dành thời gian lý giải nguyên nhân vì sao TPHCM kiến nghị chậm cho học sinh đi học trở lại.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết dịch Covid-19 là loại bệnh cần rất nhiều người để chăm sóc, chữa trị. Đơn cử như trường hợp hai cha con người Trung Quốc bị nhiễm bệnh và điều trị ở TPHCM vừa qua, Bệnh viện Chợ Rẫy phải trưng dụng cả một khoa bệnh.
“Mỗi ngày chia làm 3 ca. Mỗi ca phải huy động cả một đội ngũ hùng hậu các bác sĩ, điều dưỡng, y tá. Nếu phải chăm sóc cho cỡ khoảng 1.000 người bệnh như vậy thì thật sự là gánh nặng quá sức. Chữa hết bệnh cho một vài người so với chuyện phải chữa bệnh cho cả nghìn người không giống nhau, không thể đánh đồng được”, ông Nhân cho hay.
Bí thư thành ủy TPHCM cho biết ngoài việc huy động đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế thì tổng số giường bệnh tại các khoa cách ly của tất cả bệnh viện ở TPHCM chỉ khoảng 1.000 giường. Nếu tình huống xấu nhất xảy ra là dịch bệnh lan rộng, bằng mọi giá TPHCM phải ngăn không cho vượt quá 1.000 ca bệnh.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, thời gian điều trị bình quân cho một bệnh nhân nhiễm Covid-19 là 20 ngày. Qúa trình điều trị cho các bệnh nhân vừa qua cho thấy mỗi ngày, cơ quan y tế phải huy động 12 bác sĩ và điều dưỡng để chăm sóc, điều trị cho 1 bệnh nhân.
“TPHCM chỉ cần có 1.000 người bị nhiễm bệnh thì không thể tìm đủ bác sĩ, y tá để phục vụ, chữa bệnh. 1.000 người bệnh là giới hạn đỏ của TPHCM. Vượt qua giới hạn này là vỡ trận”, ông Phong lưu ý.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết chính vì lý do này, cộng với thực tế tình hình lây nhiễm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, lãnh đạo TPHCM xác định nếu cho gần 2 triệu học sinh TPHCM đi học trở lại sẽ có khả năng và nguy cơ lây nhiễm cao nên đã đề xuất trung ương cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 3.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM khẳng định nếu Trung ương quyết định thời gian đi học lại từ tháng 3 thì TPHCM sẽ có phương án cùng lộ trình cho đi học lại dần dần đối với từng cấp lớp. Kinh nghiệm của TPHCM vấn đề quan trọng trong công tác phòng chống dịch là phải cách ly nguồn lây nhiễm từ sớm và không được chủ quan, lơ là.
TPHCM có lợi thế là thời tiết nóng nhưng ngược lại, thành phố là trung tâm kinh tế, thương mại, điểm đến du lịch, giao thương với nhiều nước trên thế giới. Nhiệm vụ phòng chống dịch sắp tới sẽ hết sức nặng nề.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở GDĐT Lê Hồng Sơn cho biết nhằm giảm bớt áp lực từ gần 2 triệu học sinh đồng loạt nhập học, sở kiến nghị khối mầm non tiếp tục nghỉ đến hết ngày 15/3. Từ ngày 16/3, lớp lá bắt đầu đi học nhưng không tổ chức ăn sáng đầu giờ. Ở cấp tiểu học, Sở GDĐT kiến nghị cho học sinh nghỉ đến hết ngày 15/3. Khối lớp 5 sẽ đi học lại từ ngày 16/3 nhưng không tổ chức bán trú.
Ở bậc THCS, Sở GDĐT đề xuất cho học sinh khối 9 đi học lại từ ngày 2/3 và không học bán trú, chỉ học 1 buổi. Ngày 16/3, các khối còn lại (lớp 6, 7, 8) sẽ đi học bình thường. Đối với bậc THPT, giáo dục thường xuyên, Sở GDĐT đề xuất cho học sinh khối 12 đi học lại từ ngày 2/3 nhưng chỉ học một buổi và không tổ chức bán trú. Đến ngày 16/3, tất cả các khối còn lại sẽ đi học trở lại. Riêng các trung tâm kỹ năng sống, ngoại ngữ, dạy thêm đi học lại từ ngày 16/3.
Ông Lê Hồng Sơn kiến nghị UBND TPHCM có văn bản gửi Bộ GDĐT kiến nghị đối với những trường hợp học sinh cá biệt, nghi ngờ mà phải cách ly thì thời gian nghỉ, theo dõi cách ly không tính vào thời gian nghỉ học.
Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, tính đến 15 giờ chiều 25/2, TPHCM có 3 trường hợp nhiễm Covid-19 và đã được chữa khỏi, 35 trường hợp tiếp xúc gần cũng đã xác định âm tính. TPHCM chưa ghi nhận trường hợp lây lan Covid-19 trong cộng đồng. Hiện nay, Trung tâm y tế cách ly ở Củ Chi đã tiếp nhận 100 trường hợp, trong đó có hơn 20 ttrường hợp là người Hàn Quốc.
Sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã có bố trí một khu cách ly tạm thời những người đến từ vùng dịch. Đặc biệt, do chủ động, quyết liệt, không chủ quan trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch ngay từ khi dịch bệnh mới xảy ra tại Việt Nam nên bước đầu TPHCM đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.
Theo ông Bỉnh, dù đã khống chế được dịch Covid-19 giai đoạn đầu nhưng trong thời gian tới, TPHCM không chủ quan mà phải chủ động và quyết liệt phòng chống dịch Covid-19. Đặc điểm dịch tễ cho thấy người nhiễm bệnh có khi không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng. Điều này rất nguy hiểm.
Ngoài ra, hoạt động giao thương, đi lại giữa TP HCM và các nước dẫn đến nguy cơ xâm nhập từ vùng dịch, đặc biệt là những quốc gia châu Á đang có số ca nhiễm bệnh cao nhưng vẫn được phép đến Việt Nam. Những ngày gần đây, Hàn Quốc có số ca nhiễm Covid-19 tăng rất nhanh.
“TPHCM có dân số và mật độ cao. Số lượng và mật độ học sinh trong các cơ sở giáo dục cũng cao nên có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng. Khả năng kiểm dịch đối với ca xâm nhập từ ổ dịch sẽ rất khó khăn vì nhiều phương tiện đi lại, nhiều hướng xâm nhập.
Nguy cơ phát thành dịch nếu không giám sát, phát hiện kịp thời các ca mới mắc trong trường học, trong các cơ sở tập trung đông người. Tình hình dịch bệnh diễn biến rất nhanh như ở Hàn Quốc là bài học cho TPHCM là phải chủ động phát hiện bệnh càng sớm càng tốt để ngăn chặn trước khi lây lan nhanh ra cộng đồng”, ông Bỉnh nói.