Neo mình giữ biên cương Tổ quốc

Neo mình giữ biên cương Tổ quốc
TP - Trắng đêm băng rừng, vượt núi tuần tra biên giới, bảo vệ cột mốc, phá án... những cán bộ chiến sĩ Biên phòng Bình Phước neo mình nơi biên viễn để gìn giữ chủ quyền lãnh thổ.

> Thanh niên xung kích vì biên cương của Tổ quốc

Băng rừng, canh cột mốc

Núi rừng Đắc Quýt (Bù Đốp, Bình Phước) giăng sương lạnh chớm thu. Sáng sớm, Trung úy Nguyễn Trường Sơn, Đội trưởng Đội Vũ trang tuần tra, giám sát (Đồn Biên phòng Đắc Quýt) cùng các chiến sĩ khoác trên vai hàng chục ki lô gam hành trang, lên đường làm nhiệm vụ. Rời đường vành đai tuần tra đổ bê tông dọc đường biên giới, tổ cắt rừng qua địa hình hiểm trở, rậm rạp cây cối. Gần nửa tiếng đồng hồ vượt đồi cao, trước mắt là cột mốc khắc hai chữ đỏ thắm “Việt Nam”.

Cả tổ chỉnh đốn trang phục, làm lễ chào cột mốc, vệ sinh và bảo vệ mốc. “Không chỉ khi làm nhiệm vụ, bình thường đi ngang qua, mỗi chiến sĩ cũng dừng lại và làm lễ chào cột mốc. Đó là biểu tượng thiêng liêng cho chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc”, Trung úy Sơn nói.

Cắt rừng
Cắt rừng.

15 năm nay, Trung úy Sơn (37 tuổi) rời quê Hà Tĩnh để gắn bó, ngang dọc khắp miền biên giới Bình Phước. Hết Đồn Biên phòng Tà Lốt (huyện Lộc Ninh, Khánh Hòa), anh chuyển về sở chỉ huy tham gia huấn luyện chiến sĩ mới, sau đó chuyển đến Đồn Biên phòng 793 Bù Đốp, tiếp giáp Campuchia.

 “Phần lớn cán bộ chiến sĩ ở địa bàn xa đến công tác và định cư ngay tại vùng phên giậu Tổ quốc để bảo vệ biên cương. Khó khăn, hiểm nguy tiềm ẩn trước sự tồn tại của các loại tội phạm vùng biên ngày càng phức tạp, tinh vi”. 

Thượng tá Thúy

Trung úy Sơn bảo: địa bàn khác nhau, nhưng tất cả đều chung tình cảnh núi non hiểm trở, giao thông khó khăn, nhiều mối hiểm nguy. Mấy năm nay, tỉnh hoàn thiện việc phân giới cắm mốc nên công tác tuần tra, bảo vệ cột mốc chủ quyền dễ dàng hơn. Tuy nhiên, do địa hình rừng sâu, dân cư thưa thớt, rừng nguyên sinh nên việc bị vắt cắn, muỗi đốt, thú lạ tấn công không còn là chuyện lạ.

Đồn Biên phòng Đắc Quýt quản lý gần 20km biên giới, 3 cột mốc và 6 cột dấu. Xa nhất cột mốc 62 (2), cách trụ sở hơn chục ki lô mét. Địa hình dốc thẳng đứng. Mỗi lần tuần tra, hầu hết anh em chiến sĩ đều bị trượt, té ngã. Chiến sĩ trẻ Điều Chương (18 tuổi, quê Lộc Hòa, Lộc Ninh), mới nhận nhiệm vụ đội 2 tháng, lần đầu tuần tra “khóc thét” khi thấy từng đàn vắt ngóc đầu lổm ngổm khi “đánh hơi” máu người.

“Bọn mình cột quần thật chặt vậy mà vắt vẫn bò vô được. Chỉ khi thấy ngứa, máu tứa ra ở cổ, các ngón chân mới hay bị vắt cắn. Những vết thương này ít nhất gần nửa tháng mới lành, để lại sẹo”, Chương kể. Thâm niên của cán bộ chiến sĩ ở đồn Biên phòng biên giới không chỉ tính bằng năm mà còn theo số vết tích bị vắt cắn.

Đánh án

Con sông Chàm biên giới giữa Việt Nam - Campuchia là địa bàn hoạt động khá phức tạp của các loại tội phạm buôn lậu, vận chuyển ma túy, gỗ lậu... Gần 3 năm công tác, Thượng úy Phạm Quang Ngà, Đội trưởng vũ trang (Đồn Biên phòng Tà Vát, Lộc Ninh, Bình Phước) kể, những năm gần đây dọc biên giới Campuchia nóng tội phạm buôn lậu thuốc lá, tiêu thụ đồ ăn cắp, vượt biên, khai thác gỗ trái phép...

Mới đây, đội mật phục đồn Biên phòng Tà Vát triển khai lực lượng rừng Tà Thiết, phát hiện 4 đối tượng, trong đó có Giáp Văn Nhượng (SN 1974, Lộc Thịnh) và Nguyễn Văn Phương (SN 1982, trú Bình Long) điều khiển xe gắn máy chở khối lượng lớn gỗ lậu từ rừng căn cứ di tích Tà Thiết. Bị mật phục kiểm tra, các đối tượng lao xe vào cán bộ chiến sĩ và lao gỗ xuống đường để tẩu tán.

“Các đối tượng quyết chống trả, chỉ khi không đối phó được các đối tượng mới bỏ của chạy lấy người”, Trung úy Nguyễn Thành Trương, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm ma túy (Đồn Biên phòng Tà Vát) kể.

Thống kê những tháng đầu năm 2013, lực lượng chức năng Đồn Biên phòng Tà Vát phát hiện, phá án 9 vụ, 15 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại; 8 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ở rừng phòng hộ Tà Thiết. Thượng tá Ngô Duy Thúy, Phó chủ nhiệm chính trị BĐBP Bình Phước cho hay: Năm 2012, tỉnh là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất công tác phân giới, cắm mốc biên giới qua địa bàn.

Hiện trên Bình Phước có 28 cột mốc biên giới thuộc 15 Đồn Biên phòng quản lý, với tổng số đường biên giới trên 260km. Đến nay, hệ thống đường tuần tra vành đai, phương tiện đi lại thuận lợi hơn trước. Tuy nhiên, còn nhiều vị trí đi lại khó khăn, hiểm trở, địa hình xa xôi, phức tạp như tại các cột mốc 72, 73 (Đồn Biên phòng Hòa Lư).

Phủ xanh biên giới

Cán bộ Trung đoàn 717 hướng dẫn người dân đồng bào dân tộc thiểu số trồng cây cao su phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh quốc phòng
Cán bộ Trung đoàn 717 hướng dẫn người dân đồng bào dân tộc thiểu số trồng cây cao su phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh quốc phòng.
 

Hơn chục năm nay, Đại úy Vũ Bá Nghiệp, Đội trưởng Đội 2 Trung đoàn 717, Binh đoàn 16 (Bình Phước) rời quê Nam Định, gắn bó miền biên giới thực hiện nhiệm vụ trồng cây, phủ xanh đất cằn. Tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp 1 (Hà Nội), Đại úy Nghiệp công tác tại ban kế hoạch và trực tiếp tham gia sản xuất trên nông trường gần 250ha. Nhìn cánh rừng cao su bạt ngàn, trải dài tầm mắt, ít ai hình dung cảnh đổi thay nhanh chóng này.

Chị Lê Thị Hương, vợ anh Nghiệp hiện là cán bộ Trung đoàn 717 kể: mới vài năm trước, các địa phương quanh vùng cách trở, điện, đường đi lại khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, nhờ bàn tay miệt mài của các cán bộ, chiến sĩ, nên màu xanh đã phủ kín đất cằn, đường đi thuận lợi... Nhờ Trung đoàn, nhiều mối lương duyên được kết nối. Trong đó, câu chuyện của Đại úy Nghiệp là một điển hình. Đại úy Nghiệp bảo: hai vợ chồng cùng lập nghiệp mảnh đất mới, an tâm công tác. Những năm gần đây, sản lượng đơn vị liên tục tăng 10-15%/năm, cao nhất so với mặt bằng chung của Trung đoàn.

Theo Đại úy Phan Tiến Sĩ, Đội trưởng Đội 1 (Trung đoàn 717), mô hình gắn kết hộ, thu hút người dân, đồng bào dân tộc thiểu số vào phát triển kinh tế, lao động, sản xuất cây cao su mang lại hiệu quả to lớn. Đến nay, đội 1 có gần 350 cán bộ, nhân viên, hộ sản xuất trên nông trường gần 400 ha cao su, tiêu. Thượng tá Trần Văn Ảnh, Chi ủy Trung đoàn 717 cho hay: nhiệm vụ chính đơn vị phát triển kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng an ninh. Thu nhập lao động địa phương gắn với cây cao su, tăng 5-6 triệu đồng/tháng. Riêng sản xuất đơn vị mỗi năm lãi 20-30 tỷ đồng. Kinh tế vững, diện tích phủ xanh tăng, góp phần tạo thế mạnh đảm bảo quốc phòng, giữ vững miền biên cương Tổ quốc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.