Nên giao đất theo quy hoạch

Nên giao đất theo quy hoạch
TP - Trước thực trạng hàng trăm khu đô thị, dự án nhà ở bỏ hoang tại Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh thành khác, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng không nên giao đất theo dự án mà phải giao theo quy hoạch có tính khả thi.

> Chung cư, biệt thự …thành bãi rác

GS.TSKH Đặng Hùng Võ
GS.TSKH Đặng Hùng Võ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, GS. TSKH Đặng Hùng Võ nói:

Thực trạng đang gây nhức nhối hiện nay là nhiều dự án có diện tích chiếm đất rất lớn nhưng lại bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn về nhiều mặt.

Luật Đất đai năm 2003 đã ghi rõ, có thể thu hồi đất theo quy hoạch hoặc theo dự án. Thực tế, người ta chỉ thích thu hồi đất theo dự án vì có ông chủ đầu tư đứng giữa rồi. Hình thức giao đất theo dự án có nguy cơ của tham nhũng và lãng phí.

Vì thu hồi đất theo dự án thì sẽ có một nhà đầu tư xuất hiện và câu chuyện nằm ở mối quan hệ của nhà đầu tư này với những nhân vật khác. Nguy cơ tham nhũng nằm tại mối quan hệ này. Thu hồi đất theo quy hoạch là cắt được cơ chế tham nhũng.

Như vậy, ngay cả phương thức thu hồi theo quy hoạch mà một số hội nghị gần đây nhắc đến cũng không phải là điều gì mới cả.

Thu hồi theo quy hoạch không phải là chuyện mới nhưng tại sao không được thực hiện, thưa ông?

Không làm được vì mấy lý do: Lãnh đạo một số địa phương nói, muốn thu hồi đất theo quy hoạch, Nhà nước phải xuất tiền ra để bồi thường mà điều đó thì không thể làm được vì Luật Ngân sách không cho phép rút tiền ngân sách ra để bồi thường trước.

Một số tỉnh đã nhiệt tình làm theo đúng quy định, tức là bỏ tiền ra để thu hồi đất, như tỉnh Bình Thuận. Khổ nỗi, chính quyền bỏ tiền ra thu hồi xong nhưng nhà đầu tư lại không mặn mà. Hậu quả là lãng phí, đất cứ để trơ ra đấy.

Tất nhiên, thực trạng ấy xảy ra khi quy hoạch không khả thi, thu hồi đất ở những vị trí khỉ ho cò gáy, không ai nhòm ngó đến. Tuy nhiên, lại có thực tế khác, Đà Nẵng đã thành công trong thu hồi đất theo quy hoạch.

Đà Nẵng quy hoạch xong rồi thu hồi, thậm chí bê cả một khu phố sang chỗ khác, mở rộng đường, đấu giá hai bên. Vậy, Đà Nẵng lấy tiền ở đâu ra? Tôi đã hỏi trực tiếp lãnh đạo của Đà Nẵng, các anh ấy nói rằng “lấy tiền từ kho bạc của tỉnh. Vay tạm tiền ra rồi trả lại trong vòng 6 tháng”. Tôi hỏi là có sai pháp luật không? Đà Nẵng nói là có sai! Nhưng vấn đề là Đà Nẵng đã làm được, còn Luật Ngân sách phù hợp hay không là câu chuyện khác.

Như vậy thu hồi theo dự án hay theo quy hoạch đều vướng. Ông có đề xuất giải pháp gì?

Điều tôi muốn nói là dù chúng ta đã thu hồi theo quy hoạch hay dự án thì cũng vẫn chưa đi vào trúng cái huyệt của vấn đề. Huyệt của vấn đề là gì? Đó là làm sao để quá trình phát triển là quá trình đồng thuận giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân bản địa.

Phải giải quyết câu hỏi là người thu hồi đất được hưởng gì từ dự án? Nhà nước thu hồi để mở ra công nghiệp, đô thị mới... nhưng vấn đề là trong quá trình ấy, người nông dân được gì? Cách làm hiện nay của Việt Nam là người nông dân được một cục tiền.

Cục tiền ấy có thể làm nông dân hài lòng hoặc không hài lòng. Ví dụ, người dân ở ngoại thành Hà Nội thì có thể nhảy múa vì mức thu hồi cao gấp 5 lần giá đất nông nghiệp quy định.

Nhưng vấn đề là sau đó, người nông dân làm gì? Ví dụ như ở Văn Giang (Hưng Yên), tại sao người nông dân “cự nự” bởi vì người nông dân sau khi cầm một cục tiền thì đứng ra lề của cuộc phát triển; Nhà đầu tư lấy đất xây nhà bán cho người từ nơi khác đến.

Tôi biết có nhiều nước trong quá trình đầu tư phát triển, thu hồi đất của nông dân, thì người nông dân là trung tâm của quá trình phát triển. Điển hình như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia... Họ đã dùng cơ chế gọi là góp đất và điều chỉnh lại đất đai.

Người nông dân góp đất vào dự án. Dự án sau khi có quy hoạch đầy đủ, thì mỗi người nông dân sau khi mất một phần đất nông nghiệp được nhận một thửa đất phi nông nghiệp với giá trị tương đương và được hỗ trợ thêm về chi phí di chuyển, mất việc làm một cách thỏa đáng. Người nông dân khi đó trở thành trung tâm của đô thị mới. Cơ chế này có một phần giống với cơ chế giao đất dịch vụ của ta trước đây.

Nếu làm như vậy, tôi khẳng định là sẽ không có chuyện kiện tụng vì rõ ràng nông dân có lợi và họ sẽ mong cho dự án triển khai mạnh để giá trị đất tăng lên. Trung tâm của vấn đề là cơ chế bồi thường như thế nào cho thỏa đáng trong trường hợp Nhà nước dùng tiền của mình để phát triển.

Trong một số trường hợp, Nhà nước không nên dùng quyền thu hồi đất của mình. Một số trường hợp nhỏ lẻ, nhà đầu tư phải thương lượng, thậm chí mua lại của dân, Nhà nước không can thiệp. Vướng hiện nay là ở các dự án lớn chứ không phải dự án nhỏ lẻ và chính quyền không nên can thiệp các dự án nhỏ lẻ.

Ông có thể nói rõ hơn là ông ủng hộ thu hồi theo dự án hay theo quy hoạch?

Quan điểm của tôi là không cấp theo dự án. Nhưng cấp theo quy hoạch thì phải gỡ được về cơ chế và tính khả thi của quy hoạch. Nếu đã quy hoạch đô thị hoặc công nghiệp của cả vùng lớn thì sẽ thu hút nhà đầu tư. Nếu là từng dự án nhỏ lẻ thì có thể nhà đầu tư không thích nhưng cả khu vực rộng lớn thì nhà đầu tư không có lý do gì để chê.

Cảm ơn ông.

Minh Tuấn
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chính sách vượt trội của Phú Yên
Chính sách vượt trội của Phú Yên
TPO - Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam công bố kết quả thực hiện chỉ số thu hút đoàn làm phim. Tỉnh Phú Yên dẫn đầu cả nước ở bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI). Danh sách Top 10 còn có nhiều địa phương hấp dẫn như TPHCM, Đà Nẵng, Ninh Bình.