Nên đưa 'đại án Thủ Thiêm' ra nghị trường Quốc hội

TPO - Hơn 700 hộ dân có nhà nằm trong 5 phường bị ảnh hưởng bởi khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TPHCM) đồng loạt ký tên vào đơn kiến nghị giải quyết các quyền lợi chính đáng. Cử tri cũng đề nghị vụ việc Thủ Thiêm cần đưa ra Quốc hội chủ trì giải quyết...

Trong đơn người dân khu đô thị mới Thủ Thiêm ghi gửi Thủ tướng, Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng, Ban dân nguyện Quốc hội, Thanh tra chính phủ, Ban Tiếp công dân trung ương cùng Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM. Đơn kiến nghị này được cử tri Nguyễn Hồng Quang (quận 2, TPHCM) thay mặt cho 708 hộ dân gửi ngay trong buổi tiếp xúc cử tri của tổ số 7 Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM vào sáng 7/5.

Đưa vụ việc ra Quốc hội

Trước khi thay mặt 708 hộ dân gửi đơn đến tổ đại số 7 Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, Nguyễn Hồng Quang nói: “Tôi hoan nghênh những cử tri nói về những vấn đề khác nhưng quận 2 chìm ngập quy hoạch, thực hiện quy hoạch không tròn trịa, gây ra nhiều vụ việc ồn ào như Thủ Thiêm”.

 Cử tri đề nghị đưa vụ Thủ Thiêm ra Quốc hội. Clip Văn Minh

“Lập thanh tra liên ngành liệu có đủ thẩm quyền, có đủ mạnh hay giống như những đoàn trước kia. Việc Thủ Thiêm nên để Quốc hội chủ trì việc sửa sai ở khu đô thị Thủ Thiêm”, ông Quang đề nghị.

Theo ông Quang, khi triển khai quy hoạch, đã có Luật đất đai, có các nghị định về bồi thường, hỗ trợ nhưng tại thời điểm thu hồi đất, cưỡng chế giải tỏa…. Chính quyền lại không vận dụng các quy định này theo hướng chọn chính sách nào có lợi cho dân nhất mà làm, dẫn đến những sự việc đáng tiếc như hôm nay.

Nên đưa 'đại án Thủ Thiêm' ra nghị trường Quốc hội ảnh 1 Cử tri Nguyễn Hồng Quang thay mặt 708 hộ dân gửi đơn kiến nghị. Ảnh Văn Minh

“Chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có nơi tái định cư mà vẫn ra quyết định đập nhà của dân là vi phạm pháp luật. Đến nay người dân Thủ thiêm vẫn khóc, vẫn thấy đau lòng vì nhiều việc lãnh đạo thành phố đã hứa, đã nói nhưng không làm hoặc chưa làm”, ông Quang bức xúc.

Theo ông Quang, đất dân ngoài ranh quy hoạch nhưng vẫn bị cưỡng chế giải tỏa. Lẽ ra phải thu hồi các quyết định cưỡng chế giải tỏa, thỏa thuận bồi thường cho dân nhưng thành phố không làm theo đạo lý đó mà làm ngược lại, chỉ định làm được, xây dựng cư tại và cũng đồng cảm với dân nhưng ngoài tầm giải quyết.

Hàng loạt kiến nghị của 708 hộ dân

Theo đơn người dân kiến nghị, đã 23 năm qua, UBND TP.HCM, chủ đầu tư dự án Thủ Thiêm và Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm tắc trách, có những sai phạm nghiêm trọng đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Trong đó, người dân đề cập đến một số vấn đề vi phạm về ranh quy hoạch, giao đất cho các chủ đầu tư làm dự án; bất cập về giá đền bù, chính sách tái định cư đã được Thanh tra Chính phủ và Thanh tra TPHCM kết luận trước đây.

Nên đưa 'đại án Thủ Thiêm' ra nghị trường Quốc hội ảnh 2 Nhiều cử tri bức xúc đề nghị phải giải quyết vụ Thủ Thiêm và giải quyết các quyền lợi chính đáng trong thời gian sớm nhất. Ảnh Văn Minh

Từ đây, 708 hộ dân cùng ký tên trong đơn kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xác định rõ vị trí 5 khu phố thuộc ba phường mà người dân có đầy đủ chứng cứ pháp lý để chứng minh ngoài ranh khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo đó, phải xác định rõ các vị trí đất giao trái pháp luật cho các công ty làm dự án theo kết luận của Thanh tra TPHCM năm 2008 và Thanh tra Chính phủ năm 2018. Đồng thời, công bố chính sách giải quyết quyền lợi người dân.

Nên đưa 'đại án Thủ Thiêm' ra nghị trường Quốc hội ảnh 3 Bà Nguyễn Thị Hồng (70 tuổi, ngụ quận 2) bức xúc vì vụ Thủ Thiêm kéo dài quá lâu, giải quyết chưa thỏa đáng quyền lợi của người dân. Ảnh Văn Minh

Người dân cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh chính sách giá đền bù theo sát Luật đất đai 2003, vận dụng theo hướng có lợi cho dân như nghị quyết của Thành ủy.

Người dân Thủ Thiêm cho rằng, từ năm 2008 Chủ tịch nước và Thủ tướng đã có chỉ đạo phải giải quyết kiến nghị của dân về đền bù nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, để thiệt hại kéo dài, gây bức xúc trong dân vì giá đền bù quá thấp.

Nên đưa 'đại án Thủ Thiêm' ra nghị trường Quốc hội ảnh 4 Cử tri quận 2 gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng đến ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM. Ảnh Văn Minh

Từ đó kiến nghị các cơ quan thẩm quyền thu hồi các bản xác nhận pháp lý và các quyết định không đúng thực tế và pháp lý; áp dụng chính sách đền bù tái cư phải theo luật, không gây thiệt cho người dân, bảo đảm hài hòa ba lợi ích của các bên như nhà nước - nhà dân - nhà đầu tư. Người dân cũng yêu cầu khu tái định cư bằng và tốt hơn nơi ở cũ.

Trả lời cử tri, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho biết, tại đầu kỳ họp thứ 4, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã có văn bản báo cáo về khu đô thị Thủ Thiêm gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội và Ban dân nguyện Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

“Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM không né tránh vấn đề Thủ Thiêm.Vấn đề Thủ Thiêm tôi hiểu bà con rất nôn nóng. Vụ việc Thủ Thiêm đã kéo dài quá lâu. Tôi và các đại biểu rất sốt ruột. Để kéo dài là do sự việc xảy ra ở nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn điều chỉnh chính sách nên phải thận trọng xem xét”, ông Khuê nói.

Qua cuộc tiếp xúc này, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, yêu cầu của người dân Thủ Thiêm về việc giải quyết sớm, rốt ráo là xác đáng. Đúng là việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Thủ Thiêm, đến quyền lời người dân có chậm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phan Như Khuê nhìn nhận: “Chúng tôi chưa thể làm hài lòng người dân. Chúng tôi không thể như các cơ quan, mời dân lên như cảnh sát hình sự. chúng tôi phải dẫn dắt các văn bản, chứng cứ pháp lý…trong việc thực hiện quyền giám sát của một đại biểu”

“Bà con yên tâm, thành phố đang quyết liệt nhưng cần có thời gian trao đổi với các cơ quan Trung ương, Thanh tra Chính phủ làm rõ từng vấn đề”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phan Như Khuê hứa với cử tri.

MỚI - NÓNG