Nelson Mandela qua đời: 'Nguồn sáng' vĩ đại đã tắt

Nelson Mandela qua đời: 'Nguồn sáng' vĩ đại đã tắt
TP - Nelson Mandela được coi là một trong những nhà lãnh đạo được kính trọng nhất thế giới, vì những nỗ lực phi thường và tận tâm của ông trong cuộc chiến chống chế độ phân biệt chủng tộc apartheid ở Nam Phi. Vì thế, không chỉ người dân Nam Phi mà cả thế giới đã nghiêng mình thương tiếc khi người anh hùng ra đi.

> Nelson Mandela - một đời hàn gắn dân tộc
> Những câu nói bất hủ của Nelson Mandela
> Người dân Nam Phi khóc thương Nelson Mandela

Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela qua đời vào rạng sáng 6/12 (theo giờ Việt Nam) ở tuổi 95. Cờ rủ được treo khắp nơi sau khi Tổng thống Jacob Zuma thông báo trên TV rằng, ông Mandela qua đời.

“Đất nước ta đã mất đi người con vĩ đại nhất… Dù biết ngày này sẽ đến nhưng không gì ngăn nổi cảm giác mất mát và đau buồn to lớn”, Tổng thống Zuma nói.

Ngay sau khi biết tin ông qua đời, người dân Nam Phi đã tụ tập trên phố Vilakazi ở Soweto - nơi ông Mandela sống trong những năm 1940 và 1950. Họ hát vang những bài hát từ thời apartheid. Người ta cũng tụ tập bên ngoài ngôi nhà mà ông đã sống những năm cuối đời ở vùng ngoại ô Houghton, phía bắc Johannesburg.

Lễ viếng ông Mandela dự kiến được tổ chức tại sân vận động 95.000 chỗ ngồi ở vùng ngoại ô Johannesburg vào thứ Hai tuần sau. Thi thể của ông sau đó sẽ được quàn trong 3 ngày tại thủ đô Pretoris trước khi được đưa đến lễ quốc tang tại ngôi làng Qunu, tỉnh Eastern Cape, nơi ông sinh ra.

Theo phóng viên BBC ở Johannesburg, Nam Phi sẽ tổ chức một lễ tang nhà nước chưa từng có tiền lệ, với sự có mặt của các nhà lãnh đạo, chức sắc và người hâm mộ cựu Tổng thống Mandela đến từ khắp nơi trên thế giới.

“Chúa thật nhân từ với người dân Nam Phi vì đã đưa Nelson Mandela đến để trở thành tổng thống tại một thời điểm quan trọng trong lịch sử”, đức Tổng giám mục danh dự Desmond Tutu nói. Trước đó, ông nhận xét rằng, ông Mandela “đã dạy cho đất nước chia rẽ này biết đến với nhau”.

Cựu Tổng thống Mandela bị bệnh phổi từ lâu. Ông được điều trị tại nhà từ tháng 9 năm nay sau khi ra viện. Sau 27 năm ngồi tù, vào năm 1994, ông Mandela trở thành tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi.

Chính quyền do ông lãnh đạo thay thế chế độ phân biệt chủng tộc của số ít người da trắng - phân chia người dân theo màu da để đối xử mà mọi người thường biết đến với tên gọi apartheid.

Lãnh đạo thế giới cúi đầu

Khi biết tin ông Mandela qua đời, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã bày tỏ lòng tiếc thương và tôn kính biểu tượng của dân tộc Nam Phi.

“Ông ấy đã làm việc không mệt mỏi vì lợi ích của đất nước, vì di sản ông để lại là một đất nước Nam Phi hòa bình mà chúng ta thấy ngày nay”, Nữ hoàng Anh Elizabeth II nói trong một thông báo do cung điện Buckmingham đưa ra.

“Nữ hoàng vẫn nhớ những cuộc gặp gỡ nồng ấm với ông Mandela và xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình và dân tộc Nam Phi vào thời điểm đau buồn này”, thông báo viết.

“Ông ấy làm được nhiều hơn những gì có thể kỳ vọng từ bất cứ người nào. Ngày hôm nay, ông ấy đã trở về nhà”, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói. Trong một thông báo, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: “Hành trình dài trên đôi chân đi tới tự do của Madiba mang lại những ý nghĩa mới về can đảm, nhân cách, tha thứ, và nhân phẩm. Giờ đây, hành trình dài của ông đã kết thúc, song tấm gương của ông đối với toàn nhân loại vẫn tiếp tục sống. Mọi người sẽ nhớ đến ông như một người tiên phong vì hòa bình”.

Tại Nam Phi, Mandela thường được gọi là Madiba, tước hiệu danh dự mà bộ lạc của ông thường trao cho những già làng. “Tôi đã đứng trong xà lim cực bé của ông trên đảo Robben, một căn phòng hầu như không đủ không gian để nằm xuống hoặc đứng lên, và tôi được biết rằng ánh sáng chói từ các mỏ đá trắng đã vĩnh viễn làm hỏng thị lực của ông.

Điều còn gây xúc động hơn nữa đó là thật phi thường sau 27 năm bị giam giữ, sau khi thị lực của ông bị suy yếu vì các điều kiện giam giữ, ông vẫn có thể nhìn thấy những lợi ích cao nhất của đất nước mình và thậm chí còn ôm các quản giáo đã canh giữ ông. Đó là câu chuyện của một người mà khả năng nhìn của ông không nằm trong đôi mắt mà nằm trong lương tâm của mình”, ông Kerry nói.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon gọi Mandela là “con người vĩ đại vì công lý và một nguồn cảm hứng cho con người trên Trái đất”. Trên trang Twitter cá nhân, Thủ tướng Anh David Cameron viết: “Một nguồn sáng vĩ đại đã tắt... Nelson Mandela là anh hùng của thời đại chúng ta. Tôi đã yêu cầu treo cờ rủ tại số 10 (phố Downing - Dinh Thủ tướng Anh)”. Thủ tướng Úc Tony Abbott ca ngợi ông Nelson Mandela là một con người thực sự vĩ đại. “Nelson Mandela là người khai sinh một Nam Phi hiện đại. Đó là nhân vật thực sự vĩ đại”.

Hôm qua, cờ rủ được treo trên các tòa nhà chính phủ ở thủ đô Washington D.C, Paris và trên khắp Nam Phi. Liên minh châu Âu và Liên đoàn Bóng đá Thế giới Fifa cũng yêu cầu hạ thấp cờ để tỏ lòng thương tiếc và kính trọng. Quốc hội Nam Phi dự kiến tổ chức một phiên họp chung đặc biệt để điểm lại cuộc đời và di sản của Mandela. Sổ tang đã được mở tại các tòa nhà công cộng ở Nam Phi và các đại sứ quán của Nam Phi trên khắp thế giới.

Nelson Mandela sinh ngày 18/7/1918, tên đầy đủ là Nelson Rolihlahla Mandela. Ông nắm quyền lãnh đạo Nam Phi từ năm 1994 đến 1999, và là tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu.

Trước khi trở thành tổng thống, Mandela là nhà hoạt động chống chủ nghĩa apartheid và là người lãnh đạo Umkhonto we Sizwe, phái vũ trang của Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC).

Năm 1962, ông bị bắt và bị buộc tội phá hoại chính trị và một số tội danh khác nên bị tuyên án tù chung thân. Mandela đã trải qua 27 năm trong tù, phần lớn thời gian trên đảo Robben.

Sau khi được trả tự do ngày 11/2/1990, Mandela đã lãnh đạo đảng của ông trong cuộc thương nghị để tiến tới một nền dân chủ đa sắc tộc vào năm 1994.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, Mandela thường ưu tiên vấn đề hòa giải dân tộc. Sau khi thôi làm tổng thống năm 1999, ông trở thành đại sứ cấp cao nhất của Nam Phi và tiếp tục đấu tranh chống lại đại dịch HIV/AIDS cũng như giành quyền đăng cai World Cup năm 2010 cho nước mình.

Mandela còn tham gia các cuộc thương lượng hòa bình ở Congo, Burundi, các nước khác ở châu Phi và trên thế giới. Mandela đã nhận hơn 250 giải thưởng trong hơn 40 năm, trong đó có Giải Nobel Hòa bình năm 1993.

TRÚC QUỲNH
Tổng hợp

Việt Nam chia buồn

Được tin Ngài Nelson Mandela, nguyên Chủ tịch Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), nguyên Tổng thống Nam Phi từ trần hôm 5/12, ngày 6/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi Điện chia buồn đến Chủ tịch ANC, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma.

Điện chia buồn có đoạn viết: “Nelson Mandela là người con ưu tú, người chiến sỹ kiên cường, lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Nam Phi, người đã dành cả cuộc đời mình và đã có những cống hiến hết sức to lớn cho cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Phi và nhân dân thế giới chống áp bức, bất công và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, vì tự do, công lý, bình đẳng và tiến bộ xã hội".

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG