NATO trục xuất 7 nhà ngoại giao Nga, một số nước tẩy chay World Cup

Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal (66 tuổi) và con gái Yulia (33 tuổi) tại nhà hàng Zizzi ở thành phố Salisbury - nguồn cơn của vụ 24 nước đồng loạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Ảnh: The Sun.
Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal (66 tuổi) và con gái Yulia (33 tuổi) tại nhà hàng Zizzi ở thành phố Salisbury - nguồn cơn của vụ 24 nước đồng loạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Ảnh: The Sun.
TP - NATO đang trục xuất 7 nhà ngoại giao Nga để phản ứng vụ tấn công bằng chất độc thần kinh ở Anh.

Phát biểu tại Brussels ngày 27/3, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, ông cũng sẽ từ chối việc công nhận công việc của 3 người Nga khác và sẽ giảm quy mô của phái đoàn Nga từ 30 xuống còn 20 người. Trước đó, Nga cáo buộc Mỹ gây sức ép với các nước khác để tham gia vụ trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Nga. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc Washington “tống tiền quy mô lớn”. Ông Lavrov cho rằng, ở châu Âu hiện đại hiện có “rất ít đất nước độc lập”.

Chuẩn bị biện pháp trả đũa trình ông Putin

Ngoại trưởng Nga Lavrov nói rằng, phản ứng trước lệnh trục xuất hàng loạt là điều không tránh khỏi. “Chắc chắn rằng chúng tôi sẽ không dung thứ hành động trơ trẽn đó”, ông tuyên bố. “Khi một hoặc hai nhà ngoại giao bị trục xuất khỏi nước này, nước kia, trong khi tai chúng tôi nghe những lời xin lỗi thì thầm, chúng tôi biết chắc rằng, đó là kết quả của một sức ép vô cùng lớn, của một sự tống tiền quy mô lớn. Và điều không may là đó hiện là công cụ chính của Washington trên vũ đài quốc tế”, Ngoại trưởng Nga nhận định. “Khó để thoát được một kết luận rằng, chúng tôi đã đúng khi chúng tôi nhấn mạnh một số lần rằng, còn rất ít đất nước độc lập trong thế giới hiện đại, ở châu Âu hiện đại”, ông nói thêm.

Giới quan sát cho rằng, Bộ Ngoại giao Nga đang chuẩn bị một số biện pháp trả đũa để trình lên Tổng thống Nga Vladimir Putin phê duyệt.

Nghị sĩ Nga Vladimir Dzhabarov nói rằng, Nga sẽ “ăn miếng trả miếng” trước việc Mỹ quyết định trục xuất 48 đại diện ngoại giao ở Đại sứ quán Nga ở Washington và 12 nhà ngoại giao khác tại Liên Hợp Quốc ở thành phố New York. Đại sứ quán Nga ở Mỹ đăng trên mạng xã hội Twitter rằng sẽ phản ứng với việc đóng cửa Lãnh sự quán Nga ở thành phố Seattle. Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói rằng, phản ứng mạnh là cần thiết, nhưng ông nhấn mạnh Mátxcơva sẽ không từ bỏ các cuộc thương lượng với Washington về sự ổn định
chiến lược.

Chiến tranh Lạnh mới đang hình thành?

Tối qua, Moldova, Ireland và Australia là ba nước mới nhất tham gia trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Tổng cộng là 24 quốc gia đã vào cuộc chống lại Nga. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói rằng, ông không loại trừ khả năng có thêm biện pháp trừng phạt. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, vụ đầu độc ở Anh đặt mạng sống của vô số người vô tội vào vòng nguy hiểm và đó là sự vi phạm nghiêm trọng Công ước Vũ khí hóa học và luật pháp quốc tế.

Đầu tháng này, Anh thông báo sẽ trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga. Iceland (Băng Đảo) tuyên bố sẽ dừng đối thoại cấp cao với giới chức Nga và các lãnh đạo Iceland sẽ không dự World Cup khai mạc tháng 6 ở Nga. Hồi đầu tháng, Anh cũng tuyên bố sẽ không cử các bộ trưởng hoặc thành viên Hoàng gia Anh dự khán ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cũng bàn đến khả năng cùng tẩy chay World Cup. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson ca ngợi “phản ứng quốc tế tuyệt vời” của các đồng minh của Anh. Ông nói rằng, “thế giới đã có đủ” cách hành xử của Nga, nhưng bác bỏ ý kiến cho rằng, Chiến tranh Lạnh thứ hai đang lộ diện.

Lý do không trục xuất

Những nước EU nói họ không có ý định trục xuất các nhà ngoại giao Nga gồm có Áo, Hy Lạp và Bồ Đào Nha, dù cả ba nước này tuyên bố họ ủng hộ Anh và lên án vụ đầu độc cựu điệp viên Nga.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đăng trên mạng xã hội Twitter rằng, ông ủng hộ EU, “vì là một nước trung lập, chúng tôi sẽ không trục xuất bất kỳ nhà ngoại giao nào” và mong muốn “đóng vai trò cầu nối giữa phương Đông và phương Tây”.

Bỉ thông báo, hiện nay họ không trục xuất nhà ngoại giao nào. Thủ tướng Charles Michel nói rằng, Bỉ là tổng hành dinh của EU và NATO và vì Bỉ có các đại sứ Nga ở cả hai tổ chức này nên “chúng tôi phải xem xét những hậu quả có thể xảy ra một cách cực kỳ cẩn thận”. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói nước này không có bất kỳ sĩ quan tình báo Nga bí mật nào cả. Nhưng bà nói thêm: “Nếu có, chúng tôi sẽ trục xuất họ”.

16 quốc gia thuộc EU và 8 nước ngoài khối EU, trong đó có Mỹ, đã quyết định trục xuất tổng cộng 139 nhà ngoại giao Nga ra khỏi lãnh thổ, đánh dấu một cuộc khủng hoảng ngoại giao được xem là nghiêm trọng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Anh là nước đầu tiên ra tay khi trục xuất 23 nhà ngoai giao Nga ngày 14/3, sau khi cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok ở thành phố Salisbury hôm 4/3. London cáo buộc Mátxcơva đứng sau cuộc tấn công, nhưng Điện Kremlin bác bỏ.

MỚI - NÓNG