> Ông Obama cảnh báo tổng thống Syria
Tên lửa Patriot được NATO triển khai tại vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ –Syria. |
Trong cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao NATO diễn ra ngày hôm qua tại Brussels, Bỉ, các thành viên của tổ chức này đã tập trung vào việc kêu gọi chính quyền tổng thống Bashar al Assad không sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công.
“Chúng tôi thực sự lo lắng về kho vũ khí hóa học tại Syria. Trong những ngày gần đây, vấn đề này trở thành điểm nóng của các thành viên của NATO. Chúng tôi muốn gửi một thông điệp tới chính quyền tổng thống Syria rằng nước này sẽ gánh chịu một “hậu quả nghiêm trọng” nếu sử dụng các loại vũ khí hóa học”, dẫn lời đại diện của NATO.
Tại cuộc họp, ngoại trưởng Anh William Hague cũng đã trực tiếp truyền tải thông điệp tới chính quyền của ông Bashar al–Assad về vấn đề trên. Những thông điệp này đưa ra sau những lời cảnh báo của tổng thống Mỹ Barack Obama về việc Syria sử dụng vũ khí hóa học.
Người đứng đầu Viện phân tích quân sự cận Đông mới đây cũng cho biết, những biến động “đáng ngờ” của Syria đã được phát hiện trong mấy ngày gần đây và cần sớm có biện pháp “cứng rắn và không ngần ngại” đối phó với động thái này. Chuyên gia này cho rằng, nếu để các loại vũ khí hóa học đưa vào sử dụng, một cuộc chiến trong khu vực tất yếu sẽ xảy ra.
Trong khi đó, một nhà ngoại giao phương Tây cho biết, chỉ cần có đưa ra những biện pháp trừng phạt cảnh cáo đối với Syria là có thể buộc chính quyền ông Assad chấm dứt ý định sử dụng vũ khí hóa học.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen trong cuộc họp các Bộ trưởng ngày hôm qua . |
Trước vấn đề này, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu NATO triển khai tên lửa Patriot ở vùng biên giới phía nam, tiếp giáp với Syria, có tác dụng bắn hạ máy bay hoặc tên lửa trong trường hợp cần thiết. Động thái quân sự này đã được các thành viên của NATO nhất trí thông qua vào ngày hôm qua.
“Chúng tôi biết Syria đang sở hữu nhiều tên lửa và kho vũ khí hóa học. Việc triển khai tên lửa Patriot là việc làm cấn thiết nhằm đảm bảo quốc phòng và bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của NATO”, dẫn lời tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen.
Ngoại trưởng Anh Hague cho rằng việc triển khai Patroit thể hiện “tình đoàn kết của Thổ Nhĩ Kỳ”, đồng lời là “thông điệp quan trọng” gửi đến chế độ tổng thống Syria.
Tuy nhiên, các quan chức của NATO nhấn mạnh rằng, tên lửa Patriot được triển khai nhằm mục đích thực thi lệnh cấm bay trên lãnh thổ không phận Syria cũng như “bảo vệ người dân Thổ Nhĩ Kỳ và vùng lánh thổ trước nguy cơ tên lửa tấn công của Syria”.
Loạt tên lửa Patriot được triển khai lần này là do các quốc gia Đức, Hà Lan, và Mỹ cung cấp, theo ông Rasmussen.
Tuy nhiên, động thái mới này của NATO không được Nga ủng hộ. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cùng ngày đã gặp mặt tổng thư ký NATO và bày tỏ quan ngại về vấn đề này, cảnh báo một cuộc xung đột với Syria trong khu vực có thể xảy ra.
“Syria không phải là Libya. Tôi tin rằng việc thực hiện các biện pháp ngoại giao và theo đuổi cuộc đàm phán giữa các bên sẽ giúp cho tình hình đổ máu ở Syria lắng xuống”, ông Sergey Lavrov phát biểu.
Ngoại trưởng Nga cũng đề xuất thiết lập một đường dây liên lạc trong thời gian NATO triển khai tên lửa Patriot tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm sớm can thiệp nếu có có bất cứ động thái bất ổn nào xảy ra.
Nguyễn Thủy
Theo Telegaph