NATO đi về đâu?

NATO đi về đâu?
TP - Sự “đối đầu” ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, chiến lược quân sự mới của Washington “lấy châu Á làm trung tâm” đang đặt ra cho các quốc gia khác tham gia khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) những câu hỏi về tương lai của tổ chức này cũng như những kế hoạch trong thời gian tới.

> Taliban sẽ tái chiếm Afghanistan khi NATO rút quân

Giờ đây, rất có thể các chính trị gia châu Âu đã phải nghĩ tới một kịch bản trong chiến lược quốc phòng hoặc không hoặc với vai trò giảm đáng kể của Mỹ.

NATO, với sự tham gia của Mỹ và 27 quốc gia châu Âu, đứng trước khả năng buộc phải ngồi lại để điểm qua các “chiến dịch” dang dở nhằm cân nhắc có nên tiếp tục thực thi chúng trong bối cảnh tình hình đang có biến chuyển sâu sắc.

Dự kiến, trong tháng 5, NATO tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Chicago (Mỹ) nhằm tổng kết những “dự án” đã và đang thực hiện, nhưng quan trọng hơn là bàn thảo tương lai của khối khi chiến lược quân sự Mỹ thay đổi.

Chắc chắn, cái tên Afghanistan sẽ nằm cao trong chương trình nghị sự. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta bóng gió về các cuộc thảo luận liên quan quốc gia vùng Trung Á, khi tiết lộ chính quyền Obama đang có kế hoạch ngừng các chiến dịch can thiệp trực tiếp của quân đội Mỹ ở Afghanistan vào thời điểm giữa năm 2013, sớm hơn 18 tháng so với dự kiến ban đầu.

Ít nhất, các lực lượng Mỹ ở Afghanistan đã dần chuyển qua đặt trọng tâm hoạt động của mình ở đây vào công tác cố vấn và huấn luyện lực lượng địa phương.

Không biết vô tình hay hữu ý, tuần trước, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng quyết định rút hết lực lượng Pháp tại Afghanistan về nước trong năm tới, thay vì năm 2014 như ý định ban đầu.

Tương lai của NATO còn là sự thay đổi nhiều khả năng diễn ra liên quan các kế hoạch phòng thủ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà tuần rồi, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmunssen dự đoán rằng hội nghị thượng đỉnh ở Chicago sẽ cho ra đời một tuyên bố của khối về hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, dù Nga chắc chắn sẽ lên tiếng phản đối.

Nga muốn có sự đảm bảo từ NATO rằng chương trình phòng thủ tên lửa không nhằm vào Nga, nhưng ông Rasmunssen không nghĩ rằng sẽ có một đảm bảo như vậy và ám chỉ rằng sẽ còn có những va chạm giữa đôi bên.

Điều mà lãnh đạo các quốc gia châu Âu lo lắng là những khoảng trống mà quân đội Mỹ bỏ lại khi chuyển trọng tâm các hoạt động can dự.

Trong chiến dịch can thiệp quân sự vào Lybia, những yếu kém của quân đội các nước châu Âu đã bộc lộ và NATO phải bù đắp bằng năng lực của quân đội Mỹ. Đó là sự kém hiệu quả, thiếu đồng bộ của hệ thống do thám chiến lược, phân tích tình báo, năng lực kiểm soát và ra quyết định…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG