Nặng gánh thuế, phí

Nặng gánh thuế, phí
TP - Chính sách thuế, phí ở Việt Nam thay đổi liên tục, khiến doanh nghiệp không xoay sở kịp. Hội thảo “Thực trạng và giải pháp tháo gỡ khó khăn phát triển ngành công nghiệp và thị trường ô tô Việt Nam” ngày 27-9 nhiều doanh nghiệp cho biết.

> Thị trường ô tô Việt: Đã qua thời bết bát?

Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) thẳng thắn: “Bộ Tài chính hiện chưa thấy ngành công nghiệp ô tô là cần thiết với Việt Nam dẫn tới chính sách không ổn định, doanh nghiệp khó tồn tại”.

Theo ông Huyên, dù có đề án chính sách xây dựng nội địa hóa và Vinaxuki nỗ lực đầu tư rất nhiều để thực hiện tự động hóa từ khâu thiết kế, đúc phôi kim loại, sản xuất nhiều phụ tùng khác cho ô tô nhưng doanh nghiệp không được hưởng bất cứ một ưu đãi nào.

Đại diện Vinaxuki nói, thuế phí Việt Nam rất phức tạp, các bộ cần phải cải cách thật sự. “Nên đánh thuế theo dung tích của xe, chứ không nên đánh đồng hạng một mức thuế, phí với tất cả các dòng xe. Xe sang, đắt tiền sẽ phải chịu mức thuế phí cao hơn những xe dung tích xi lanh dưới 1.0. Doanh nghiệp nào nội địa hóa được bao nhiêu thì cần được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt tương ứng”- Ông Huyên đề xuất.

Ông Trần Tấn Trung, đại diện nhà phân phối chính thức Audi tại Việt Nam đề nghị cần có chính sách thuế ổn định, lâu dài để doanh nghiệp xây dựng chính sách phát triển hợp lý, không phải đối mặt với những chính sách bất ngờ, bất hợp lý.

Vị đại diện này kiến nghị cơ quan chức năng trước khi ban hành chính sách, nên tham khảo ý kiến chuyên gia, các doanh nghiệp trong ngành, để tránh những đề xuất hết sức phi lý gây ảnh hưởng xấu trên thị trường, làm tâm lý người dân bất ổn, nhà sản xuất sợ.

“Áp thuế trước bạ 20% ở Hà Nội thì dân mua xe sang tỉnh khác đăng ký, như vậy lượng xe vẫn tăng chứ đâu có giảm. Chúng tôi sẵn sàng cử cán bộ đến từng phòng ban ở các địa phương để tham gia đóng góp ý kiến cho việc phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam”- Ông này khẳng định.

Tổng Giám đốc Porsche Việt Nam, ông Andreas Klinger, cho biết: “Chính sách thuế, phí ở Việt Nam không mang tính chất dài hạn khiến các doanh nghiệp không điều chỉnh kịp. Việc có quá nhiều loại thuế, phí khiến giá thành ô tô ở Việt Nam thuộc loại cao nhất, gấp 3 lần so với thế giới. Để khắc phục thực tế giá xe quá đắt cơ quan chức năng nên xem xét đưa ra một con số phù hợp hơn, không nên thay đổi chính sách, thuế phí liên tục như hiện nay”- Ông nói.

Tổng thư ký vận tải ô tô, ông Nguyễn Khánh Toàn cho biết, phát triển nền công nghiệp ô tô không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội.

Việc có tới 5 loại thuế, 9 loại phí nhằm vào ô tô khiến người tiêu dùng đang bị thiệt rất nhiều. Doanh nghiệp không kêu gọi sự bảo hộ mà kêu gọi Nhà nước ổn định chính sách thuế phí.

Theo ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hội kỹ sư ô tô Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, với hàng loạt loại thuế, phí cộng dồn, chưa kể một số chính sách về phí dự kiến áp dụng trong thời gian tới, khiến một chiếc ô tô lưu hành được ở Việt Nam bị đội chi phí rất lớn, cao gấp 3 lần so với ở các nước và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô.

Theo Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tổng sản lượng bán hàng ôtô trên toàn thị trường tháng 8-2012 đạt 7.056 chiếc, giảm 5% so với tháng liền trước và giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét riêng các thành viên VAMA, tổng sản lượng bán hàng bao gồm cả xe nhập khẩu lẫn xe lắp ráp trong nước đạt 6.448 chiếc, giảm 4% so với tháng liền trước và giảm 33% so với cùng kỳ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.