Nàng dâu mát tay “kén” mẹ chồng như ý

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Để có một cuộc sống êm ấm, thuận hòa trong gia đình mới, ngoài yếu tố may mắn, còn là cả một kế hoạch “kén mẹ chồng” của các nàng dâu thông minh.

Trong suy nghĩ của nhiều người, việc làm dâu chưa khi nào là chuyện dễ dàng. Có người dù đã đi lấy chồng nhiều năm nhưng vẫn không thể hòa hợp được với cuộc sống nhà chồng. Nhưng ngược lại, cũng có không ít nàng dâu lại hòa nhập rất nhanh với môi trường mới. Thậm chí vì hợp tính với mẹ chồng hơn cả mẹ đẻ mà các cô còn bị gắn thêm cái mác “sính nội hơn ngoại” bất đắc dĩ. Để làm được điều này, ngoài yếu tố may mắn, còn là cả một kế hoạch “kén mẹ chồng” của các nàng dâu thông minh.

Là một điển hình tiêu biểu của trường hợp này, Lương (Nam Định) cho biết mối quan hệ giữa mình và mẹ chồng đôi khi còn tốt hơn cả mẹ đẻ do cả hai hợp tính tình. Ngược lại với nhiều người khác, cán cân cảm xúc của Lương chưa khi nào nghiêng về phía mẹ đẻ kể từ ngày lấy chồng.

“Mình chưa bao giờ biết đi mua sắm với mẹ đẻ là gì, đơn giản vì bà không thích la cà mua bán. Hơn nữa, gu thẩm mỹ của cả hai cũng không hợp nhau vì mẹ thích kiểu nghiêm túc, mình khoái phong cách trẻ trung, nhiều khi còn ăn mặc kiểu nổi loạn. Từ nhỏ, mình đã thân với bố hơn, mẹ mình cũng không thuộc tuýp người hay gần gũi con cái nên tuy là con gái với mẹ ruột nhưng không phải chuyện gì cũng có thể tâm sự được”, Lương cho hay.

Đến khi lấy chồng, Lương cũng không đặt hy vọng nhiều ở mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vì lý do “đến mẹ ruột còn không thể gần gũi được huống chi là mẹ chồng!”. Hơn nữa, cô cũng không tin những câu chuyện “khác máu tanh lòng” mà mọi người truyền tai nhau. 

Đơn giản là vì cô cho rằng, nếu bản thân mình tốt thì không ai có thể bắt bẻ. Cô vẫn chủ trương lối sống hòa thuận nhất có thể, để tránh điều tiếng không hay giữa mẹ chồng và nàng dâu. 

Áp dụng từ trước khi cưới, Lương cố gắng dành thời gian gần gũi với nhà chồng tương lai, nhưng luôn sống và làm mọi việc bằng đúng tâm thực sự. Lương cũng rất vui khi những cố gắng của mình phần nào đã được đền đáp khi cô chiếm được khá nhiều cảm tình của họ hàng bên nhà chồng sắp cưới.

Sau đám cưới, Lương khá bất ngờ khi thấy nếp ăn ở của nhà chồng, đặc biệt là mẹ chồng rất hợp ý mình. Chưa kể, tính mẹ chồng Lương lại rất thanh niên, thích sôi nổi, đến cách ăn mặc cũng trẻ trung nữa nên hai mẹ con rất hay đi cùng nhau. Cô kể: “Nhiều khi đi mua sắm quần áo, có cả chị chồng đứng đấy nhưng bà nằng nặc đòi đi cùng mình vì: cái Lương biết chọn đồ, lại biết mặc cả. Mẹ chồng mình sống tình cảm, có gì cũng thủ thỉ với con dâu, ra ngoài, hai mẹ con hay khoác tay nhau. Nhiều người không biết lại tưởng nhầm là mẹ con ruột”.

Chính vì sự khác biệt đó nên đôi khi Lương còn phải công nhận mình hay nghiêng về phía mẹ chồng nhiều hơn mẹ đẻ, mặc dù tình cảm dành cho cả hai người như nhau. “Mẹ đẻ với mình khắc khẩu, nói ra thì chắc có người sẽ bảo hỗn nhưng sự thật thì mẹ đẻ nói nhiều câu không hợp ý, mình hay cãi lại luôn dù trong bụng chẳng có gì. Mẹ chồng thì khác, thường thì hai mẹ con hay vào một phe trong các vấn đề tranh luận với bố chồng và chồng. Sự khác biệt ấy khá rõ ràng nên là mọi người cũng hay trêu mình kén chồng rồi kén luôn được cả mẹ chồng như ý”, Lương vui vẻ chia sẻ.

Giống như Lương, Hằng (TP. HCM) cũng hay được tiếng là “mát tay” trong việc kén mẹ chồng tốt tính, bù lại, cô và mẹ đẻ lại không mấy gần gũi nhau do hai mẹ con vốn trái tính trái nết ngay từ khi Hằng còn nhỏ. Còn nhớ, lần đầu tiên nghĩ đến việc lấy chồng, Hằng đã bụng bảo dạ sẽ tìm bằng được nhà nào có bố mẹ chồng hiền lành mới lấy, còn không thì cứ “ở vậy cho lành”.

Nói là làm, từ khi yêu chàng đầu tiên, được vài ngày Hằng đã ngỏ ý muốn chàng đưa mình về ra mắt gia đình, “xem nhà cửa, bố mẹ anh thế nào”. Không may, mẹ chàng ấy lại “chỉ kém sư tử Hà Đông một chút”, lại nóng tính sẵn nên yêu được ít lâu, Hằng kiếm cớ cao chạy xa bay.

Đến khi quyết định chấm dứt đời độc thân, tính nhẩm sơ sơ Hằng cũng trải qua khoảng dăm bẩy mối tình, cả yêu kiểu trẻ con lẫn kiểu người lớn, nhưng phải đến anh cuối cùng tức là chồng Hằng bây giờ, cô mới thực sự xuôi lòng. “Hôm đến nhà người yêu lần đầu, thấy cách mẹ anh ấy tiếp đón mình mà mừng như mở cờ trong bụng. Bạn gái con đến nhà mà bác ấy niềm nở như đã là người một nhà vậy, cơm nước, rửa bát đĩa cũng đều hai bác con làm chứ quyết không để mình phải lọ mọ làm một mình. Tối hôm ấy, từ nhà chàng về, mình đã quyết tâm là kiểu gì cũng phải kén được chàng làm chồng, để được trở thành con dâu của mẹ chàng ấy”, Hằng vui vẻ kể lại ngày đầu tiên ra mắt nhà chồng tương lai.

 2

Từ khi yêu chàng đầu tiên, được vài ngày Hằng đã ngỏ ý muốn chàng đưa mình về ra mắt gia đình. (ảnh minh họa)

Đúng như Hằng dự đoán, suốt mấy tháng yêu nhau, cô lúc nào cũng vui như Tết khi cùng lúc có sự quan tâm, chiều chuộng của cả 2: người yêu và… mẹ người yêu. May mắn hơn là cả gia đình bên ấy cũng tỏ ra ưng ý cô con dâu tương lai ra mặt và chỉ nhăm nhe chực sang nhà đặt vấn đề nói chuyện người lớn và bàn việc cưới xin. Đùng một cái, đúng hôm kỷ niệm 6 tháng yêu nhau, Hằng bất ngờ nhận được lời ngỏ ý muốn mang trầu cau sang nhà gái xin cho hai đứa chính thức đi lại của bố mẹ người yêu ngay trong bữa cơm. Chẳng thể làm được gì khác, Hằng chỉ còn nước bẽn lẽn gật đầu.

Sau đám cưới, Hằng mới thấy là quyết định “kén chồng, kén cả mẹ chồng” của mình quả thực là con đường sáng suốt. Vốn hợp nhau từ trước, Hằng sống ở nhà chồng mà tự do, thoải mái chẳng kém gì nhà đẻ khi ngoài thời gian đi làm, công việc nhà cô đều được bố mẹ chồng giúp đỡ phần lớn. Thành ra, nhà cửa lúc nào cũng êm ấm, vui vẻ, chẳng mấy khi hàng xóm nghe thấy hai mẹ con có lấy một câu nặng lời. Mỗi lần nhìn thấy các chị em đồng nghiệp ca cẩm, nhăn nhó mặt mày vì chuyện mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu là Hằng lại cười tươi hớn hở tự hào về kế sách tuyệt vời của mình khi trước.

Theo Tri thức trẻ
MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.