Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thanh niên

0:00 / 0:00
0:00
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thanh niên
TPO - Trao đổi tại Hội nghị Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam lần thứ 32, anh Nguyễn Anh Tuấn - Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Thứ nhất Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam cho biết: Năm 2021 cần tiếp tục phối hợp kiểm tra giám sát thực hiện Luật Thanh niên, Chiến lược thanh niên sau khi ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật mới, đặc biệt nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thanh niên.  

Ngày 2/3, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 32. Chủ trì Hội nghị có Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Thứ nhất Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn; Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương; Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Trần Anh Tuấn.

Tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên hơn 5%

Hội nghị đã nghe báo cáo Kết quả công tác năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2021. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2020, Việt Nam có hơn 22,6 triệu thanh niên (chiếm 23,2% dân số cả nước). Trong đó, nam chiếm 51%; thanh niên khu vực nông thôn chiếm 63,3%.

Thanh niên có trình độ học vấn tốt nghiệp THPT là chủ yếu, đạt 47,9%. Tỷ lệ thanh niên không có chuyên môn kỹ thuật chiếm 76%. Trong số thanh niên có trình độ chuyên môn kỹ thuật, 3,1% là thanh niên có trình độ dạy nghề; 3,7% thanh niên có trình độ trung học chuyên nghiệp; 5,9% thanh niên có trình độ cao đẳng; 10,5% thanh niên có trình độ đại học trở lên.

Tỷ lệ thanh niên tham gia lực lượng lao động là 79,8%. Tỷ lệ thanh niên có việc làm là 94,9%; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên là 5,06%.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thanh niên ảnh 1 Hội nghị Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam lần thứ 32

Theo báo cáo, trong năm 2020, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam cơ bản hoàn thành kế hoạch công tác. Công tác phối hợp nghiên cứu,đề xuất, xây dựng nội dung cơ chế, chính sách về thanh niên và công tác thanh niên đạt được kết quả rõ nét, đặc biệt trong phối hợp xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi), xây dựng các Nghị định triển khai Luật Thanh niên, tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và đề xuất xây dựng Chiến lược giai đoạn 2021 - 2030.

 Các hoạt động đối ngoại Nhà nước về thanh niên được đầu tư sâu về nội dung, đa dạng hình thức, gắn với chủ động thích ứng với điều kiện dịch COVID-19 trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Công tác phối hợp giữa T.Ư Đoàn và các bộ, ngành theo năm, giai đoạn ngày càng chặt chẽ, phát huy thế mạnh của mỗi ngành trong triển khai công tác về thanh niên.

 Tuy nhiên, trong năm kế hoạch kiểm tra chưa hoàn thành; chưa nhiều UBND cấp tỉnh, thành phố và các bộ, ngành quan tâm thực hiện việc tự kiểm tra, chủ yếu lồng ghép với kiểm tra chung hoặc lồng ghép với kiểm tra thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên; nội dung kiểm tra theo chuyên đề tại cấp huyện chủ yếu lông ghép với cuộc làm việc cấp tỉnh.

Kiện toàn Ủy ban, tăng cường kiểm tra giám sát

 Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, đề xuất nhiều ý kiến kiện toàn Ủy ban Thanh niên; nâng cao hiệu quả việc kiểm tra giám sát thực hiện chính sách đối với thanh niên, đưa Luật Thanh niên 2020 đi vào đời sống.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thanh niên ảnh 2 Ông Nguyễn Văn Tuyết (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) phát biểu tại hội nghị

 Ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, tham gia Ủy ban có nhiều lãnh đạo bộ ban ngành, nhưng khi họp lại không tham dự và chỉ cử cấp vụ sang họp thì rất khó phát huy hiệu quả cơ chế Ủy ban. Thời gian tới cần sớm kiện toàn Ủy ban và có quy chế hoạt động để hoạt động tốt nhất.

 Theo ông Tuyết, thời gian tới, các cơ quan cần sớm triển khai Quyết định số 1712/QĐ-TTg của Thủ tướng về Kế hoạch triển khai thi hành Luật, cùng với việc giám sát của Quốc hội và kiểm tra của Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên để Luật sớm đi vào cuộc sống. "Luật có rồi mà triển khai không tốt thì có Luật cũng bằng không. Cơ chế đặt ra rồi mà không vận hành, không thực hiện, không kiểm tra thì không mang lại hiệu quả", ông Tuyết nói.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, năm 2021 cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết Luật Thanh niên (sửa đổi). Trong đó, cần nâng cao nhận thức của cấp ủy chính quyền và sự hiểu biết, quan tâm của thanh niên. "Nếu cấp ủy chính quyền không quan tâm thì Luật Thanh niên có hay, có sát đến mấy cũng rất nhiều nghị quyết khó đi vào cuộc sống", ông Định nói.

Ông Định cũng cho rằng, bên cạnh việc kiện toàn Ủy ban Thanh niên ở cấp Trung ương, cần tăng cường kiểm tra giám sát, đôn đốc tại địa phương để có sự quan tâm, phân công rõ ràng trách nhiệm cá nhân cụ thể.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thanh niên ảnh 3 Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

 Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng trao đổi về nhiệm vụ Ủy ban Thanh niên - tổ chức liên ngành, gồm: Thúc đẩy chính sách liên quan đến thanh niên; đại diện liên quan đến hợp tác thanh niên ở đối ngoại và đối ngoại; hội đồng cố vấn cho Thủ tướng, thường trực các cơ quan về cơ chế chính sách thanh niên.

 "Để Ủy ban hoạt động hiệu quả không phải ở vấn đề hình thức, dù Thủ tướng làm chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên hay Bí thư thứ nhất làm chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên.. mà cần xác định rõ nhiệm vụ của Ủy ban Thanh niên", ông Duy nói.

 Ông Duy đề xuất thường trực cơ quan Ủy ban sắp xếp địa bàn cần kiểm tra đánh giá gắn với chuyên môn, lĩnh vực của đồng chí trưởng đoàn là thành viên Ủy ban. Chẳng hạn, đồng chí thành viên ủy ban là thứ trưởng Bộ Ngoại giao thì chọn địa bàn liên quan đến nhiều hoạt động ngoại giao thanh niên như địa bàn biên giới, thành phố lớn có nhiều hoạt động giao lưu.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về Thanh niên

 Phát biểu kết luận Hội nghị, anh Nguyễn Anh Tuấn - Uỷ viên T.Ư Đảng,  Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Chủ nhiệm UBQG về Thanh niên Việt Nam đồng tình với các ý kiến đánh giá kết quả công tác năm 2020; đồng thời, tiếp thu các ý kiến, góp ý của các đại biểu.

 Trong năm 2021, anh Tuấn đề nghị cần tiếp tục thực hiện tuyên truyền phổ biến, tham mưu các văn bản thi hành Luật Thanh niên. Đặc biệt, ngoài hai chính sách liên quan đến thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện đang trong quá trình xem xét phê duyệt, sắp tới còn một số chính sách nữa sẽ tiếp tục được đề xuất nghiên cứu như: Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, thanh niên tài năng, thanh niên Việt Nam ở nước ngoài...

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thanh niên ảnh 4 Anh Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Chủ nhiệm UBQG về Thanh niên Việt Nam phát biểu kết luận Hội nghị

 "Năm 2021 cần tiếp tục phối hợp kiểm tra giám sát thực hiện Luật Thanh niên, Chiến lược phát triển thanh niên sau khi ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật mới, đặc biệt nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thanh niên. Chúng ta có thể mở rộng lĩnh vực, ngoài khởi nghiệp thì có thêm việc làm, bố trí sắp xếp nhân sự, nguồn lực cho quản lý nhà nước về thanh niên ở địa phương...", anh Tuấn nói.

 Theo anh Tuấn, năm 2021 sẽ triển khai công tác kiểm tra, đánh giá 8 địa phương, tuy nhi địa bàn cụ thể sẽ được tính toán, lựa chọn để phát huy năng lực sở trường của trưởng đoàn là thành viên Ủy ban; đồng thời tích hợp được công việc chuyên môn.

MỚI - NÓNG