Nâng cao chất lượng tiếng Anh, cần lộ trình cụ thể

TP - Nói về chất lượng dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam ở bậc phổ thông, người trong ngành và người ngoài ngành đều thừa nhận chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để nâng được chất lượng tiếng  Anh cho học sinh Việt Nam cần có lộ trình, không thể “đốt cháy giai đoạn” vì  nguồn lực có hạn.

Nói về chất lượng dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam ở bậc phổ thông, người trong ngành và người ngoài ngành đều thừa nhận chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để nâng được chất lượng tiếng Anh cho học sinh Việt Nam cần có lộ trình, không thể “đốt cháy giai đoạn” vì nguồn lực có hạn.

Tiếng Anh là một chìa khóa phát triển

Cách đây chưa lâu, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra đề xuất tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam. Ý kiến này nhận được nhiều sự ủng hộ của dư luận. TS. Đỗ Thị Ngọc Quyên, hiện nay năng lực tiếng Anh của người Việt nói chung và học sinh sinh viên nói riêng chênh lệch rất nhiều giữa vùng miền và nhìn chung còn thấp so với khu vực.

Các báo cáo về trình độ lao động và việc làm của các tổ chức như WB hay ILO đều chỉ ra tiếng Anh là một trong những kỹ năng yếu kém của lực lượng lao động Việt Nam, hạn chế năng lực cạnh tranh ngay trong khu vực ASEAN. Cần phải nhìn nhận tiếng Anh là công cụ làm việc cho lao động các trình độ, kể cả trình độ thấp với lao động nghề, đồng thời cũng là công cụ để tiếp cận tri thức toàn cầu.

Để có sự phát triển khoa học công nghệ, kinh tế, giáo dục mang tính đột phá trong thời gian tới, tiếng Anh có thể là một trong những chìa khoá quan trọng. Và một chính sách ngôn ngữ phù hợp đối với tiếng Anh là một biện pháp thúc đẩy năng lực tiếng Anh của người dân, đặc biệt đối với học sinh, sinh viên.

Việc đẩy tiếng Anh trở thành ngôn ngữ 2 là một giải pháp đáng cân nhắc vì nó có thể đem lại những thay đổi đột biến, đáng kể, tuy nhiên luôn luôn cần cân nhắc, đánh giá thận trọng đối với một chính sách ngôn ngữ ảnh hưởng tới toàn thể người dân.

Với điều kiện hiện tại của Việt Nam, để đạt được mục tiêu đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai, TS. Đỗ Thị Ngọc Quyên cho rằng cần thay đổi cách đặt vấn đề. Nếu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ hai, cơ quan hữu trách chịu trách nhiệm thực thi chính sách phải đề ra chương trình hành động cụ thể, nêu rõ cách thức thực hiện. Chẳng hạn, ở giáo dục phổ thông, cách tiếp cận sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy là gì.

Từ đó, xác định nguồn lực đầu tư cho các chương trình này. Chúng ta có thể thảo luận với những nguồn lực và điều kiện thực hiện như vậy thì một chương trình cụ thể nào có sẽ có khả năng thành công đến đâu.

Chính sách đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ 2 thành công đến đâu, đạt kết quả đến mức độ nào thì tuỳ thuộc vào việc thiết kế, xây dựng và triển khai các chương trình cụ thể. Tôi cho rằng chắc chắn sẽ có những tác động, thay đổi không nhỏ, nhưng đến mức độ nào thì không thể nói giả định bây giờ vì mức độ sẵn sàng đầu tư thực hiện chính sách của Chính phủ và mức độ sẵn sàng tiếp nhận của người dân là chưa rõ.

“Tuy nhiên, cá nhân tôi lạc quan về triển vọng bởi ngay tại thời điểm này, dù tiếng Anh là ngoại ngữ, và cũng không được chú trọng đồng đều ở các địa phương nhưng trong giao tiếp hàng ngày và đặc biệt trên mạng xã hội, có sự pha trộn ngôn ngữ tiếng Anh với tiếng Việt. Trong giới trẻ, xu hướng sử dụng tiếng Anh càng rõ nét hơn” – TS. Quyên nói.

Trước câu hỏi có nên nhập khẩu chương trình một số môn học bằng tiếng Anh trong chương trình giáo dục phổ thông mới, TS. Quyên cho hay việc này tuỳ thuộc vào các cách tiếp cận, cách thức thực hiện chính sách tiếng Anh là ngôn ngữ 2. Việc này cần nghiên cứu kỹ lưỡng.

Nhưng sử dụng sách giáo khoa bằng tiếng Anh và/hoặc giảng dạy bằng tiếng Anh với một số hoặc toàn bộ môn học trong chương trình phổ thông cũng là một trong những giải pháp. Có thể nghiên cứu cách tiếp cận ở Hà Lan đối với việc đưa tiếng Anh vào trường phổ thông. Một lần nữa cần khẳng định việc đa dạng hoá học liệu/ SGK là cần thiết và quan trọng để thúc đẩy cải cách chương trình giáo dục.

Phải có lộ trình

Theo bà Đặng Thị Thanh Huyền, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục, để nâng chất lượng dạy và học tiếng anh phải từ từ. “Thực tế, có thể coi chung ta đang “yếu toàn thân”. Phải có điểm đột phá. Ngoài việc bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh thì các trường sư phạm cũng cần có đổi mới. Ví dụ như mời giáo viên nước ngoài sang giảng dạy hoặc đưa giáo viên ra nước ngoài học tập để về giảng dạy” – bà Huyền nhấn mạnh.

Muốn đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam, theo quan điểm cá nhân của TS. Vũ Hải Hà, Trưởng khoa sư phạm tiếng Anh, trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội phải có lộ trình dài hơi. Trong đó, cần xét đến yếu tố kinh tế chính trị. Hiện nay, điều kiện kinh tế, xã hội ở các vùng miền của Việt Nam khác nhau.

Nếu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai mà không có bước đệm cần thiết thì sẽ gây xáo trộn và bất bình đẳng trong xã hội. Vùng miền nào khó khăn khi đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai thì sẽ càng khó khăn hơn.Vì như thế tiếng Anh sẽ trở thành rào cản cho họ khi công tác, xin việc sau này. Đây là cái nhìn thấy rõ nhất. Thứ hai điều kiện để thực hiện phải tính đến yếu tố khả thi. Trong đó, là đội ngũ giáo viên. Rõ ràng, trình độ đội ngũ giáo viên hiện đang còn rất nhiều khó khăn.

“Việc đưa giáo viên nước ngoài về giảng dạy cũng không phải không có vấn đề gặp phải. Ngoài việc xác định trình độ, làm thế nào để kiểm soát được vấn đề tư tưởng, chính trị khi họ lồng vào bài giảng cho học sinh” – TS. Vũ Hải Hà đặt vấn đề.

Giải pháp nhập khẩu chương trình một số môn học cũng được đưa ra nhưng theo TS. Vũ Hải Hà, vẫn gặp phải khó khăn về đội ngũ giáo viên giảng dạy. Hơn nữa, như đã nói ở trên, còn vấn đề chính trị, tư tưởng. Hiện nay, NXBGDVN có liên kết cùng với một NXB nước ngoài để xuất bản sách giảng dạy tiếng Anh trong trường phổ thông.

Nhưng chúng ta cũng vẫn phải ngồi lại, cả hai bên cùng tiết chế trong quá trình hợp tác để làm sao cho ra đời được những sản phẩm (SGK tiếng Anh) vừa mang tính hội nhập, vừa có yếu tố văn hóa của ra Việt Nam. “Phim ảnh vào Việt Nam chúng ta vẫn phải kiểm duyệt nữa là các giáo trình đưa vào giảng dạy ở bậc phổ thông. Đây là điều cần thiết. Để khi ra nước ngoài, người Việt nói tiếng Anh nhưng cũng phải biết văn hóa dân tộc để nói, đưa được các vấn đề của Việt Nam ra thế giới” – TS. Vũ Hải Hà cho hay.

Theo chỉ số năng lực tiếng Anh toàn cầu năm 2018 (EF EPI 2018), năng lực tiếng Anh của Việt Nam ở mức trung bình so với thế giới và khu vực. Việt Nam đứng thứ 41/88 nước trên thế giới và đứng thứ 7/21 nước châu Á. Tuy nhiên, đánh giá này chỉ dựa vào điểm thi của thí sinh đến từ các nước trong 1 năm chứ không phải năng lực của người dân hay lao động.

MỚI - NÓNG