Thất bại tiếng anh trong trường phổ thông:

Mất rất nhiều thời gian, tiền bạc sao vẫn 'tịt' tiếng Anh

Giờ học ngoại ngữ của học sinh THPT Trần Phú, Hà Nội Ảnh: Hồng Vĩnh
Giờ học ngoại ngữ của học sinh THPT Trần Phú, Hà Nội Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Trò chuyện với Tiền Phong, bà Ngô Thị Minh (ảnh), Phó chủ nhiệm Ủy ban  Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, 80% học sinh thi THPT quốc gia môn Ngoại ngữ đạt điểm dưới trung bình chính là phản ánh thực trạng dạy học ngoại ngữ trong nhà trường chưa hiệu quả. 

60 học sinh/lớp khó thành công

Kết quả thi THPT quốc gia môn Ngoại ngữ những năm gần đây có khoảng 80% học sinh đạt điểm dưới trung bình. Con số này nói lên điều gì, thưa bà?

Kết quả đó chính là phản ánh thực trạng dạy học ngoại ngữ trong nhà trường lâu nay chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Rõ ràng, đề án dạy học ngoại ngữ quốc gia 2020 đặt mục tiêu đến năm 2020 thanh niên, sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, ĐH có thể độc lập, tự tin sử dụng được ngoại ngữ. Tuy nhiên với cách dạy và học như hiện nay chúng ta chưa làm được điều đó. Trong khi, Việt Nam đang ở giai đoạn hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và quốc tế vấn đề ngoại ngữ rất quan trọng và cần thiết.

Chúng ta mất rất nhiều thời gian, tiền bạc để dạy và học ngoại ngữ nhưng học sinh ra trường không giao tiếp, sử dụng được. Dạy học không hiệu quả như vậy, theo bà có nguyên nhân từ đâu?

Trước tiên phải nói đến phương pháp giảng dạy của giáo viên. Do môi trường dạy ngoại ngữ trong nhà trường nhiều nơi chưa thực sự đáp ứng, vì dạy ngoại ngữ rất cần phải có các điều kiện cho học sinh thực hành, nghe băng, đĩa, xem hình ảnh, các em được nói và đối thoại cùng nhau hàng ngày, nếu không học sinh sẽ rất khó ghi nhớ. Nhiều cơ sở giáo dục chưa được quan tâm thoả đáng vấn đề này. Tôi từng dự giờ học ngoại ngữ tại một lớp  học của học sinh Phần Lan.

Trong giờ học, để học sinh có thể trao đổi trực tiếp với nhau nhiều nhất, từ giáo trình, giáo viên đã soạn thành các câu đối thoại trong vai A- B. Bạn A và bạn B liên tục đổi vai nhau để hỏi, trả lời, phát triển thêm. Và như vậy, giáo viên phải mất thêm thời gian để cụ thể hoá giáo trình, in tài liệu phát cho học sinh và họ luôn coi học sinh làm trung tâm, họ phải hiểu đặc thù của học sinh từng lớp, từng độ tuổi để biên soạn tài liệu, cụ thể hóa giáo trình sao cho phù hợp với từng bài học, giờ giảng để học sinh tiếp thu một cách hiệu quả nhất.

Mất rất nhiều thời gian, tiền bạc sao vẫn 'tịt' tiếng Anh ảnh 1

Bà Ngô Thị Minh

Về việc chuẩn hoá phòng học ngoại ngữ, phòng học bộ môn chúng ta cũng chưa làm được triệt để. Phòng học ngoại ngữ thực sự phải là phòng học chức năng, có các trang thiết bị hỗ trợ học sinh trong nghe, nói, xem video…chứ lâu nay chúng ta học tất cả các môn trong một phòng học truyền thống, thậm chí nhiều nơi vẫn còn để tình trạng lớp học với sĩ số học sinh quá đông (sĩ số 50-60 em/lớp).

Tiếng Anh liên kết không phù hợp với trường công

Học tiếng Anh trong nhà trường không hiệu quả, nhiều phụ huynh phải bỏ số tiền lớn để cho con học thêm ở các trung tâm bên ngoài. Như vậy, xã hội đang tốn một nguồn lực rất lớn cho các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài nhà trường. Một việc đáng lẽ có thể thực hiện trong nhà trường, nay lại dồn gánh nặng lên vai các phụ huynh học sinh, bà nghĩ sao về quan điểm này ?

Tôi cho rằng, việc phụ huynh phải tự cân nhắc, tìm kiếm một địa chỉ học ngoại ngữ cho con em họ bên ngoài nhà trường đó là điều mà không thầy cô, nhà trường nào mong muốn. Phụ huynh đang phải tự tìm trung tâm học tập ngoại ngữ cho con em với sự lo lắng về chất lượng có tương thích với khoản tiền mình bỏ ra cho con theo học.

Thực tế, những năm trở lại đây, có một số trường ở các địa phương đã thực hiện dạy học theo phương thức liên kết với các trung tâm để mời giáo viên nước ngoài vào dạy học. Nhiều trường còn lợi dụng cả giờ học chính khóa để dạy các chương trình liên kết, tạo bất bình đẳng trong môi trường học đường...Như vậy, những em ham học nhưng gia đình không có điều kiện sẽ khó tránh khỏi mặc cảm, tủi thân. Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã đưa ra nguyên tắc: “không được phân biệt đối xử với trẻ em trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.

Quan điểm của Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội luôn mong muốn Bộ GD&ĐT có giải pháp để  nâng cao chất lượng giáo dục đại trà đối với cấp học phổ cập, còn vấn đề đáp ứng nhu cầu khác nhau của người học nên để việc đó cho các trường tư thục chất lượng cao thực hiện sẽ phù hợp hơn.

Khảo sát của Bộ GD&ĐT để thực hiện chương trình GDPT mới, hiện nay mới chỉ có 69% giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn. Để đạt mục tiêu nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh trong những năm tới, bà có lo lắng về chất lượng, trình độ giáo viên không?

Chúng ta rất mong đợi có đội ngũ giáo viên giỏi và thực sự tâm huyết với nghề. Tuy nhiên, thực tế, Bộ GD&ĐT vừa có rà soát, đánh giá lại chất lượng, trình độ giáo viên bộ môn và cho thấy mới chỉ có 69% đạt chuẩn để có thể thực hiện chương trình mới. Như vậy, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại cần được nghiêm túc đặt ra. Việc chuẩn bị các điều kiện để thực hiện đổi mới chương trình GDPT là nhiệm vụ rất nặng nề đối với ngành giáo dục.

Phải nghiêm túc nhìn nhận thực tế và đổi mới thực sự phương pháp đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện nay. Đặc biệt là các trường sư phạm, phải có sự đầu tư để đổi mới công tác tuyển sinh; đổi mới chương trình giảng dạy, chương trình và phương pháp đào tạo đội ngũ giáo viên…. Với những thầy cô không đạt chuẩn, cần tham mưu với Chính phủ có chính sách phù hợp để những giáo viên không đạt chuẩn có thể xin về nghỉ sớm hoặc bắt nhịp, chuyển đổi vào một công việc khác.

MỚI - NÓNG