Năm 'nút thắt' khiến người nước ngoài khó mua nhà ở Việt Nam

Nhiều người nước ngoài quan tâm đến dự án do Novaland triển khai tại TPHCM. Ảnh Vi Thảo.
Nhiều người nước ngoài quan tâm đến dự án do Novaland triển khai tại TPHCM. Ảnh Vi Thảo.
TPO - Theo ông Trần Hòa Phương - Phó Chủ tịch Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, có 5 nút thắt khiến người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam gặp khó khăn. Trong đó, rào cản thủ tục hành chính gây tâm lý e ngại cho người nước ngoài, Việt kiều khi mua nhà.

Tại hội thảo “Mở nút thắt cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam” do báo Thanh Niên tổ chức ngày 14/9, nhiều chuyên gia cho rằng đến nay vẫn chưa có nhiều trường hợp người nước ngoài, Việt kiều mua được nhà tại Việt Nam do vướng nhiều rào cản mặc dù từ ngày 1/7/2015, Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực cho phép người nước ngoài và Việt kiều được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. 

Muốn mua nhưng khó

TS Nguyễn Trí Hiếu chuyên gia Tài chính - Ngân hàng chia sẻ, so với các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, thì đầu tư BĐS ở Việt Nam an toàn và khả năng sinh lợi cao. Từ nay đến cuối năm 2015, cộng đồng kiều bào ở các nước muốn mua nhà tại các thành phố lớn sẽ rất cao, điều này sẽ giúp thị trường BĐS có thêm sức sống. 

“Hiện có khoảng 1 triệu Việt kiều ở các nước thật sự muốn trở về quê hương sinh sống khi về hưu. Trong khi đó, giá nhà tại Việt Nam vẫn tương đối rẻ hơn so với những thành phố khác trong khu vực. Đây sẽ là một cơ hội rất lớn cho thị trường BĐS trong nước”, TS. Nguyễn Trí Hiếu lạc quan nói.

Cũng theo TS. Hiếu, các ngân hàng đòi hỏi người mua nhà phải có bảo hiểm mới được vay tiền mua nhà trong khi người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chưa được phép vay vốn ngân hàng thương mại, cũng là một rào cản.

“Việt kiều rất muốn mua được nhà tại Việt Nam”, TS. Đinh Thế Hiển (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng) khẳng định. Tuy nhiên theo ông Hiển, các cơ chế chính sách hiện chưa thực sự thông thoáng để các tổ chức, cá nhân nước ngoài dễ dàng sở hữu nhà ở. 

Năm 'nút thắt' khiến người nước ngoài khó mua nhà ở Việt Nam ảnh 1

Là một Việt kiều, ông Robert Trần, chuyên gia tư vấn chiến lược Việt Nam - Canada cho biết: “Hiện có nhiều công ty muốn mua sỉ dự án ở Việt Nam và nhiều người nước ngoài, Việt kiều cũng muốn mua để ở và đầu tư”.

“Tôi cho rằng, những sản phẩm BĐS ở Việt Nam muốn tiếp cận được với người nước ngoài thì phải điều chỉnh lại cách quảng bá, tiếp thị bán hàng. Còn cách làm hiện nay rất khó”,  ông Robert Trần thẳng thắn chia sẻ .

Cần gỡ nút thắt

Từ thực tiễn làm việc với cộng đồng kiều bào, ông Trần Hòa Phương - Phó Chủ tịch Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đã chỉ ra 5 nút thắt khiến cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam gặp khó khăn. Một là, chậm triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014. Hai là, thủ tục hành chính chưa được đơn giản hóa, vẫn còn giấy này đòi phải đi kèm với các giấy “con” khác; Ba là, quy định bảo vệ quyền lợi của các chủ đầu tư dự án BĐS là kiều bào vẫn chưa có; Bốn là, cơ sở dữ liệu yếu; Năm là, phương thức thanh toán cứng nhắc, tức là chỉ được chuyển tiền về nước mua nhà nhưng chưa được phép chuyển ra nước ngoài lại sau khi bán hoặc chuyển nhượng nhà ở. Người nước ngoài cũng chưa được vay tiền mua nhà ở từ các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước.

Năm 'nút thắt' khiến người nước ngoài khó mua nhà ở Việt Nam ảnh 2

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho biết quy định “trường hợp bán hoặc tặng cho nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì bên mua, bên nhận tặng cho chỉ được sở hữu nhà ở trong thời hạn còn lại..." (khoản (4.b) điều 7 dự thảo Nghị định)”, là không phù hợp và không đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người nước ngoài khi mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Do đó, Hiệp hội đề nghị cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam khi mua lại nhà ở của người nước ngoài thì được quyền sở hữu nhà ở với thời hạn tối đa 50 năm. Cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản (4.a) điều 7 (dự thảo Nghị định) cho phép cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư nước ngoài khi mua lại nhà ở của người nước ngoài thì được sở hữu nhà ở ổn định lâu dài, để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật. 

Về chuyển khoản tiền mua nhà ở, về vay tín dụng để mua nhà ở, ông Châu cũng cho biết đang đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng thống nhất hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài về việc chuyển khoản tiền mua nhà ở từ ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam để mua nhà; hoặc thủ tục vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để mua nhà ở.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, dù luật được cho là đã mở nhưng thực tế ở thời điểm hiện nay, vẫn chưa thấy được một “cú hích” nào thật sự lớn đối với khách hàng tiềm năng này. LS Hậu lý giải nguyên nhân là mặc dù Luật đã có hiệu lực hơn 2 tháng nhưng vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn chi tiết. 

Năm 'nút thắt' khiến người nước ngoài khó mua nhà ở Việt Nam ảnh 3

Nhiều Việt kiều và người nước ngoài đến tìm hiểu mua bất động sản tại triển lãm các dự án bất động sản với chủ đề " Cho cuộc sống bừng sáng" do tập đoàn Novaland tổ chức tại Tphcm ngày 12, 13/9 nhân kỷ niệm 23 năm thành lập.

Bên cạnh đó, các rào cản về mặt thủ tục hành chính cũng là nguyên nhân gây nên tâm lý e ngại cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Ví dụ: người Việt Nam định cư ở nước ngoài sau nhiều năm, khi quay về Việt Nam mua nhà thì phải làm thủ tục xác minh nguồn gốc mất khá nhiều thời gian, chưa nói đến việc họ phải trả một khoản tiền phí dịch vụ không hề nhỏ để thực hiện thủ tục. Chưa kể, nhiều khách hàng nước ngoài còn e ngại về thời hạn sở hữu nhà tại Việt Nam hoặc phương thức thanh toán khi mua nhà, vay ngân hàng… 

“Để có thể kích thích nhu cầu khách hàng là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia vào thị trường nhà ở trong thời gian tới, theo tôi các Bộ chuyên ngành cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn Luật nhà ở theo hướng đơn giản, ngắn gọn, thuận tiện, tăng thời hạn sở hữu nhà”, LS Hậu, lưu ý.

Sẵn sàng nguồn cung            

- Ngày 14/9, Công ty CP đầu tư BĐS Hưng Lộc Phát đã công bố dự án cao ốc Hưng Phát 2 (Hưng Phát Silver Star) nằm tại huyện Nhà Bè, hướng đến đối tượng khách hàng người nước ngoài và Việt kiều với giá bán chỉ khoảng 1,3 tỷ đồng/căn hai phòng ngủ.

- Theo ông Vũ Hoài Nam, PTGĐ Công ty Phú Long, trong các dự án đang phát triển, mà cụ thể là dự án khu căn hộ Dragon Hill Residences & Suites, hiện có gần 40% cư dân là người nước ngoài đang sinh sống. Đa số là khách thuê, trong đó cũng có vài trường hợp là khách mua nhà. Cũng theo ông Nam, trước tác động của chính sách cho người nước ngoài và Việt kiều được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam, Phú Long tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án Dragon Hill Residences & Suites. 

- Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng Giám đốc Hung Thinh Land cho biết, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà, hiện Hung Thinh Land đang đưa ra nhiều dự án và chính sách bán hàng phù hợp dành cho đối tượng này. Đơn cử như dự án Vung Tau Melody rất phù hợp với những chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Vũng Tàu. 

- Theo ông Đặng Chính Thắng, Phó TGĐ Công ty Đất Xanh Miền Nam, thống kê tại dự án Saigonres (quận Bình Thạnh) cho thấy, có khoảng 15% khách hàng là người nước ngoài, Việt kiều. Lãnh đạo công ty này cũng cho biết họ sẵn sàng đưa ra nhiều sản phẩm chất lượng cao để phục vụ đối tượng này.

MỚI - NÓNG