Những ngày cuối tháng 11, dưới tiết trời lạnh như cắt da, thịt, chúng tôi đã có mặt trên đảo Rều. Nhìn xa xa, đảo Rều nom như đám đất nhỏ, nhưng khi thuyền càng đến gần, chúng tôi lại thấy choáng ngợp bởi màu biếc của rừng cây phi lao và dừa nước. Nằm cách xa đất liền gần 3km, đảo Rều được chia làm 2 đảo, gồm đảo Rều Ðất rộng 22ha và Rều Ðá rộng 17ha. Cả 2 đảo có 14 cán bộ, công nhân viên làm công việc chăn nuôi phát triển đàn khỉ khoảng 1.000 con để phục vụ nhiệm vụ thiêng liêng là nghiên cứu, thử nghiệm vaccine và các đề tài khoa học, y tế…
Theo “chúa đảo” Vũ Công Long- Trại trưởng Trại chăn nuôi đảo Rều, loài khỉ vàng Maccaca Mullata thường hay di chuyển và ở sạch trên các cây, không giống như các loài khỉ khác trên thế giới là ở hang lỗ bẩn thỉu. Chính vì thế mà loài khỉ vàng này không hề mang mầm bệnh gây nguy hại cho con người. Khỉ vàng thường có tập tính sinh hoạt bầy đàn, mỗi bầy có từ 20 đến 40 con, trong đó mỗi bầy thường có 1 đầu đàn đực hay còn gọi là khỉ chúa, rất to khỏe, thông minh, đặc biệt là phải biết đánh nhau để bảo vệ, tranh giành lãnh thổ với các bầy khác.
“Những chú khỉ đủ tiêu chuẩn được lựa chọn tiến hành nghiên cứu là những chú khỉ trong độ tuổi 1,5 - 2 năm tuổi, cân nặng từ 2 - 2,5kg và thường chọn khỉ đực để nghiên cứu vì khỉ cái còn dùng để sinh sản. Trung bình khỉ đẻ 1con/lứa, khi còn sung sức thì 1 năm/lứa, sau đó thì cứ 2 - 3 năm/lứa. Một khỉ cái một cuộc đời chỉ đẻ được từ 7 - 10 lứa. Tuổi thọ trung bình của khỉ vàng là 25 tuổi. 4 tuổi là những chú khỉ bắt đầu vào tuổi tình yêu. Chúng sống theo từng bầy, mỗi bầy có một khỉ chúa” – anh Long tiết lộ.
Mỗi khi nói về loài khỉ vàng “hiến thân” cho y học, bác sĩ Long lại nghẹn ngào: “Gần 30 năm chung sống với loài khỉ vàng đặc biệt này, nó giống như những đứa con của mình, mỗi lần bắt mang đi nghiên cứu, thử nghiệm thấy chúng kêu, các thành viên trong đàn kêu gào, khóc thảm thiết mà mình không cầm được lòng, nước mắt cứ ràn rụa, nhưng vì nhiệm vụ thiêng liêng vẫn phải tiến hành”.
Xuất phát từ tình yêu thương, biết ơn những công hiến của loài khỉ vàng, năm 2013, trung tâm đã chính thức cho xây dựng khu “đài tưởng niệm” có tấm bia đá ghi dòng chữ “Ðảo Khỉ- nơi chăn nuôi và cung cấp khỉ vàng Maccaca Mullata cho nghiên cứu y học và sản xuất vaccine”.
Chúa đảo Long cho biết thêm, chính nơi đây, ngày rằm tháng 7 hàng năm, lãnh đạo và công, nhân viên trên đảo lại chọn những thức ăn, hoa quả mà loài khỉ này thích để bày lên làm giỗ cho khỉ, để tưởng nhớ công lao của những con khỉ đã hy sinh phục vụ mục đích thiêng liêng cho y học.