Nam giới mặc áo dài, luật hóa được không?

0:00 / 0:00
0:00
Yêu cầu mặc áo dài ngồi xích lô khi tham quan di tích ở Huế. Ảnh: VISITHUE
Yêu cầu mặc áo dài ngồi xích lô khi tham quan di tích ở Huế. Ảnh: VISITHUE
TP - Đại biểu Quốc hội đề xuất nam giới mặc áo dài ngũ thân truyền thống đồng thời cho rằng nên có luật cụ thể về quốc phục. Sáng kiến nhận được nhiều luồng ý kiến, và việc luật hóa quốc phục khó khả thi.

Nóng lại quốc phục

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề cập câu chuyện quốc phục tại phiên thảo luận của Quốc hội về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ hôm 29/3. “Chúng tôi đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) nghiên cứu trong thời gian tới đưa áo dài ngũ thân nam truyền thống để báo cáo Quốc hội, báo cáo Chính phủ xây dựng luật về nghi lễ, quốc phục, quốc hoa”, bà Khánh nói. Bà nói rằng luật nghi lễ này để nam giới và nữ giới đều mặc áo ngũ thân kế thừa truyền thống cha ông.

Đề xuất của đại biểu Quốc Khánh hâm nóng câu chuyện chọn quốc phục được xới xáo rốt ráo từ năm 2014-2015 nhưng rồi rơi vào bế tắc. Khi ấy, Bộ VHTTDL chủ trì cuộc thi thiết kế lễ phục và quốc phục cho cả nữ và nam, tuy nhiên quan điểm chưa ngã ngũ. Dù chưa được tôn lên thành quốc phục trong văn bản nhưng áo dài dăm năm trở lại đây được phục hưng trong đời sống đương đại.

Nhà thiết kế - hoa hậu Ngọc Hân kể nhiều khách hàng quen là nam giới mỗi dịp Tết đến lại đặt may áo dài cho cả nhà để cùng chụp bộ ảnh rất đẹp. “Nam giới mặc áo dài thường xuyên còn có cái lợi là lan tỏa nét đẹp truyền thống, trông đẹp hơn trong mắt du khách quốc tế. Nếu có dịp sang Hàn Quốc chúng ta sẽ thấy bước chân vào các cung điện ai cũng đều mặc trang phục truyền thống cả”, Ngọc Hân nói.

Họa sĩ Lê Thiết Cương không hề “kỳ thị” nam giới vận áo dài. Anh tán đồng sáng kiến cán bộ văn hóa ở Huế mặc áo dài tới công sở vào thứ Hai hàng tuần. “Tôi nghĩ ta nên có cách làm như Huế đang thử nghiệm, bởi áo dài nam thực sự rất đẹp, rất dân tộc”, Lê Thiết Cương nói. Chuyện nam giới mặc áo dài dường như đang vấp phải rào cản tâm lý, thực tế áo dài không phải là trang phục mặc trong mọi hoàn cảnh, cũng không bắt buộc hàng ngày.

Khó luật hóa

Ủng hộ chuyện nam giới mặc áo dài, nhưng họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, việc đưa thành quy định hay luật phải cân nhắc. “Luật nào trái với luật đời sống thì chết ngay”, anh nói. Lê Thiết Cương đề xuất nên nghĩ tới chuyện tìm ra lễ phục, chuẩn hóa mẫu lễ phục để truyền thống văn hóa sống được trong đời sống hiện đại, ấy mới là cách bảo tồn hay nhất.

Nhà nghiên cứu và thiết kế cổ phục Nguyễn Đức Lộc vài năm gần đây chinh phục con đường đưa cổ phục trở lại cuộc sống đương đại.

“Cổ vũ cổ phục trở lại nhưng tôi nghĩ khó có thể quy định về quốc phục trong Hiến pháp hay đạo luật nào. Quốc phục khác quốc kỳ, quốc ca ở chỗ không phải tác phẩm duy nhất mà quốc phục chính là hệ thống trang phục phân biệt quốc gia này với quốc gia khác. Chưa kể Việt Nam có tới 54 dân tộc, mỗi dân tộc sở hữu sắc phục khác nhau. Quốc phục có nghĩa bắt buộc người dân Việt phải mặc vì đó là biểu tượng quốc gia. Điều này gần như bất khả thi”, Đức Lộc nói.

Anh đề xuất có thể đưa ra quy định về lễ phục nhà nước cho nguyên thủ quốc gia, quan chức nhà nước mặc trong dịp đặc biệt hoặc nghi thức ngoại giao. “Khuyến khích người dân mặc áo dài dễ được đồng thuận và khả thi hơn là luật hóa”, Đức Lộc nói.

Trân trọng sáng kiến và tâm huyết mong muốn nam giới mặc áo dài ngũ thân, tuy nhiên PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia phân tích: hầu hết các quốc gia khuyến khích người dân sử dụng trang phục truyền thống như cách thể hiện sự trân trọng đối với lịch sử, văn hóa và thể hiện sự tự hào, tự tôn dân tộc.

“Trừ các quốc gia mà tôn giáo chi phối hoàn toàn đời sống xã hội như các quốc gia Hồi giáo chẳng hạn, chưa có quốc gia nào luật hóa như một hình thức bắt buộc người dân phải mặc trang phục truyền thống trong những hoàn cảnh nhất định. Một phần vì ăn mặc là chuyện có tính chất cá nhân, nên các nước không cứng nhắc trong việc sử dụng trang phục truyền thống, chủ yếu đưa ra các điều khoản cấm các trang phục không phù hợp. Phần khác, trang phục cần phù hợp với công việc, bối cảnh xã hội”, TS Bùi Hoài Sơn nói.

Chưa đi tới thống nhất về quốc phục hay lễ phục, tuy nhiên trong quy chế văn hóa công sở năm 2007 ghi rõ quy định lễ phục của nam cán bộ, công chức, viên chức là bộ comple. “Thay vì luật hóa hay có những quy định quá cứng nhắc về trang phục áo dài nam truyền thống, có lẽ chúng ta cần hướng tới việc tôn vinh áo dài nam một cách thực sự hiệu quả và thực chất, để áo dài nam trở thành niềm tự hào tự thân của người mặc. Chỉ khi việc mặc áo dài là nhu cầu tự thân, là niềm tự hào của chính người mặc thì áo dài nam truyền thống mới trở nên bền vững”, TS Bùi Hoài Sơn đề xuất.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.