Để áo dài nam thành quốc phục...

Đại sứ Nga Konstantin Vnukov diện áo dài truyền thống Việt trình diễn tại phố cổ Hà Nội. Ảnh: Đức Bình.
Đại sứ Nga Konstantin Vnukov diện áo dài truyền thống Việt trình diễn tại phố cổ Hà Nội. Ảnh: Đức Bình.
TP - Chuỗi sự kiện gần đây quảng bá áo dài nam truyền thống của nhóm Đình làng Việt và Ban quản lý phố cổ Hà Nội khơi lên tranh luận ứng dụng vào đời sống đương đại, đưa áo dài nam thành quốc phục.  

XẤU HỔ ÁO DÀI?

“Nam giới hiện đứng trước áo dài thì xấu hổ, không dám mặc ra ngoài đường và trong công việc thường ngày kể cả lễ tết. Đó là điều đáng tiếc và đáng buồn”, họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức, người từng thiết kế trang phục cho phim cổ trang nói. Ông Nguyễn Đức Bình người sáng lập nhóm Đình làng Việt (nhóm những người yêu di sản) cũng gặp nhiều người coi áo dài truyền thống nam “phong kiến, cường hào ác bá, có người nói giống Ngô Đình Diệm”. Ông Bình cho rằng chính định kiến này làm cho áo dài ngày càng xa rời cuộc sống. “Giới trẻ coi áo dài nam là di sản truyền thống còn những người lớn tuổi thì rất khó vận động vì họ thấy xấu hổ”, ông Bình cho biết.

Để áo dài nam thành quốc phục... ảnh 1 Đại sứ Nga Konstantin Vnukov diện áo dài truyền thống Việt trình diễn tại phố cổ Hà Nội. Ảnh: Đức Bình.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo nhớ thời Pháp mới sang, Hà Nội tràn ngập nam diện áo dài trên phố. Tuy nhiên trong quá trình cai trị, người Pháp mang theo luồng văn hoá phương Tây kéo theo số phận áo dài cũng thay đổi “bị sơ mi, comple và giày tây triệt tiêu dần”. “Thời Pháp thuộc, nhiều ông áo the khăn xếp, bà áo tứ thân, con comple đội mũ phớt, cháu gái váy đầm, thể hiện rõ sự đối kháng văn hoá. Đến sau giải phóng thủ đô (1954) hãn hữu lắm trên phố mới thấy người mặc áo the khăn xếp, tay cầm ô. Chúng ta bước vào cuộc chiến tranh liên miên tới 1975 nên không có điều kiện tính toán về quần áo nữa. Chiến tranh khiến trang phục đơn giản tối đa, làm áo dài nam gần như triệt tiêu, chỉ còn trong những cuộc biểu diễn”, Hữu Bảo nhận xét.

Áo dài nam mang đậm giá trị truyền thống trong đó mỗi chi tiết đều có ý nghĩa về mặt tạo hình và triết lý: May từ năm khổ vải, khuy làm bằng những chất liệu cao cấp như đồng, vàng, bạc, ngà. Cúc áo của người Việt gắn với ngũ thường, ngũ hành. Tay áo chít và quần hai ống để tiện hoạt động, không quá ngắn và dài, thêm chiếc khăn xếp để nhận diện. Thừa nhận sự mất đi của áo dài nam là quy luật tất yếu của lịch sử, tuy nhiên ông Nguyễn Đức Bình cho rằng vẫn cần nhìn lại giá trị của áo dài nam truyền thống, hiểu được tinh hoa của nó mới có thể đặt nó ở vị trí nhất định trong đời sống hôm nay.

LĂN TĂN QUỐC PHỤC

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho rằng, nhiều nhà thiết kế thực hiện cách tân áo dài nam nhưng chưa đạt vì “xa rời tinh thần truyền thống”. Ông nhắc lại, áo dài nữ cách tân song hành lịch sử và nó có vị trí quan trọng, tuy nhiên với áo dài nam vẫn lúng túng chưa biết phát huy cái gì và như thế nào. “Cần có cuộc vận động từ giới họa sĩ, nhà thiết kế, nhà làm phim ảnh và người quan tâm trang phục Việt. Làm thế nào để áo dài nam tương xứng và đối xứng, cân bằng áo dài nữ về tinh thần dân tộc”, Mạnh Đức nói.

Nguyễn Đức Lộc, thành viên trẻ nhóm Đình làng Việt tham gia sự kiện trình diễn áo dài truyền thống, tuy kêu gọi bạn bè tìm hiểu áo, may mặc áo dài nhưng “không đồng nghĩa tất cả mọi người phải mặc nó”. Nói tới tính ứng dụng trong đời sống đương đại, Lộc cho rằng các nhà thiết kế phải hiểu đúng tinh hoa truyền thống mới cách tân được, đừng để rơi vào tranh luận cho rằng cách tân nhưng lại giống Trung Quốc, Ấn Độ hay Indonesia. “Phải có người thiết kế đủ tâm và đủ tầm, hiểu áo dài truyền thống đẹp ở đâu để dù có kết hợp những cái mới, kỹ thuật may mới nhưng vẫn phải giữ tinh hoa truyền thống áo dài đàn ông Việt. Có như vậy khi đứng giữa cộng đồng quốc tế người ta thấy ngay đó là áo dài của đàn ông Việt Nam. Vẫn đáp ứng cuộc sống hiện nay khi đi làm hoặc trở thành lễ phục”, Lộc đề cập.

Trở lại câu chuyện chọn quốc phục, trong khi áo dài nữ nhận được sự đồng thuận lớn thì áo dài nam lận đận hơn nhiều. Bộ VHTTDL phải “hoãn” vô thời hạn đối với cuộc bình chọn quốc phục vì mắc mớ này. Trong một cuộc thăm dò ý kiến, chỉ 3% đồng thuận chọn áo dài cho nam. Nói thêm về những ý kiến trái chiều xung quanh quốc phục là áo dài nam, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo nói nếu đưa thành quốc phục thì nên chọn hình thức giản dị như ngày xưa, đừng vẽ ra quốc phục mới. “Đừng làm áo dài xa lạ với áo dài nam truyền thống. Chúng ta gắn vào đó sự sang trọng không phải lối, bởi đỉnh cao của sang trọng là sự giản dị. Điểm đắt nhất của áo dài nam là sự giản dị, chỉ trọc phú, tự ti mới thích khoe khoang”, ông nói. Đồng quan điểm, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho rằng quốc phục phải đi đến sự chuẩn mực và đại diện cho tinh hoa của nền văn hoá dân tộc, không nên tìm tòi sai hướng.

Cần sự lan tỏa

Nhà thiết kế, Hoa hậu Ngọc Hân cho rằng, để áo dài nam đi vào đời sẽ là rất khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là ý tưởng tốt để mọi người quan tâm trang phục truyền thống. Nhiếp ảnh gia Hữu Bảo nêu ý kiến, để áo dài nam có chỗ đứng phải dựa vào cảm xúc và thói quen. Ông nhấn mạnh cần có sự vận động, vào cuộc của một số tổ chức và nhóm người để lan toả áo dài nam trước hết trong các sự kiện văn hoá, lễ tết: “Chúng ta phải bình thường hoá nó đi, phải thấy việc mặc áo dài ngồi cạnh áo phông quần soóc cũng bình đẳng như nhau trong sinh hoạt xã hội”.

MỚI - NÓNG