Thỏa lòng đam mê
Không đông người bán cũng không nhiều người mua nhưng phiên chợ ve chai vẫn diễn ra. Quán cà phê, nơi phiên chợ diễn ra khá rộng, đủ sức bài trí cho chợ một khung cảnh nên thơ.
Nhâm nhi ly cà phê, ghé vào một "cửa hàng" với những món hàng độc, lạ, đẹp mắt và giao lưu với người bán sẽ làm khách đến chợ vô cùng thích thú.
Góp mặt trong phiên chợ này là một người đàn ông có bộ râu xồm xoàm, trông khá dữ tợn nhưng lại có giọng nói và cử chỉ hết sức hiền hòa, thân thiện.
Anh là diễn viên Khánh Râu từng tham gia nhiều bộ phim, trong số đó có phim "Mật danh Rocker".
Anh mang ra chợ những mặt hàng cũ kỹ, một số là đồ nhà còn lại do anh bỏ công sưu tầm. Anh nói: "Những món hàng này sẽ là đồ bỏ đi với người này nhưng lại là quý giá với người khác. Với những ai từng có kỷ niệm với nó sẽ hết sức trân trọng và nâng niu".
Những chiếc bình đựng nước, lon Guigoz (một loại sữa hộp ở miền Nam trước năm 1975), sợi dây nịt, những đồng tiền xưa đựng trong dĩa của một chiếc cân tay... tất cả đều cũ kỹ, không hào nhoáng nhưng lại làm nhiều người bồi hồi.
Một vị khách đứng tuổi đã đứng trước "gian hàng" của diễn viên Khánh Râu rất lâu mân mê chiếc lư đồng. Anh nói: "Nhà tôi trước kia cũng có chiếc lư này. Trải qua nhiều năm tháng chiến tranh, nó đã bị thất lạc. Nay nhìn thấy nó, tôi không khỏi xúc động... ".
Những mặt hàng xưa cũ
Niềm đam mê về những món hàng xưa cũ của nam diễn viên bắt nguồn từ bạn bè. Anh có những người bạn thích sưu tầm, sở thích của họ lôi cuốn anh, dần dần anh say mê lúc nào không biết.
Khách cũng chú ý đến gian hàng bạc thời trang của anh Nguyễn Ngọc Tân với rất nhiều nữ trang bằng bạc cũ xưa được sản xuất ở các nước Ý, Pháp, Mỹ.
Mân mê chiếc lư đồng
Anh Tân chia sẻ: "Tôi vốn rất mê sưu tầm mặt hàng này. Những sợi dây chuyền, những vòng đeo tay bằng bạc, những cặp kính của các hãng kính nổi tiếng trên thế giới... được tôi tìm tòi được ở các nước mang về đây hội ngộ cùng anh em".
Chợ phiên ve chai là nơi giao lưu đồ cổ, đồ cũ. Khách đến đây để tận mắt nhìn những món đồ đã từng có với họ nhiều kỷ niệm. Đây cũng là nơi có thể trao đổi kiến thức về những món đồ mà có lẽ giờ đây chỉ còn trong hoài niệm.
Ở phiên chợ này, người bán không hét giá, người mua không chê đắt rẻ, không mang màu sắc kinh doanh, tất cả đều chỉ muốn thỏa lòng đam mê sưu tầm và chút nao lòng về những kỷ niệm cũ xưa...
Chợ ve chai, chợ độc đáo ở Sài Gòn
Có lẽ duy nhất ở đây là gian hàng của ông Đoàn Văn Ba, hội viên Hội cổ vật Việt Nam, trưng bày cổ vật. Đó là những chiếc bình hoa, chén, dĩa rất xưa.
Trong số các mặt hàng của ông, chúng tôi chú ý đến một chiếc bình cắm hoa nhỏ nhưng rất xưa. Ông cho biết, bình này ông mua năm 2009 ở Anh, đã được hội đồng khoa học giám định là cổ vật...
Ông Nguyễn Ngọc Tân và gian hàng bạc thời trang
Bén duyên với nghiệp sưu tầm cổ vật, ông Ba kể lại: "Cậu tôi có chiếc độc bình rất quý và hiếm. Cậu đã phải trả một khoản tiền không nhỏ mới mua được nó.
Năm 1976, cậu xuất ngoại định cư ở nước ngoài nên tặng cho tôi cùng với hoàng loạt cổ vật khác. Có lẽ ông nhìn thấy ở tôi có chút duyên với đồ cổ nên đã trao trách nhiệm và gửi gắm di vật.
Cũng từ đó, tôi bắt đầu lao vào sống với những món hàng cũ xưa. Tính đến này cũng đã hơn 40 năm".
Ông Tân trao đổi với khách
Nằm sâu ở phía sau là gian hàng sách của ông Trần Thiện Tùng, tuổi đã ngoài 60, chuyên sưu tầm sách cũ.
Ông Tùng trải lòng: "Tôi bén duyên với sách kể từ lúc tôi mua về loạt sách của nhà khảo cổ Vương Hồng Sển. Sau khi đọc cuốn "Thú chơi sách" trong loạt bài Ngàn lẻ một đêm, tôi vô cùng tâm đắc và tâm nguyện một lòng với sách".
Ông Đoàn Văn Ba và những cổ vật bên cạnh giấy chứng nhận đăng ký cổ vật.
Có mặt trong phiên chợ ve chai, Dương Đăng Cả, một vị khách, bày tỏ: "Chợ ve chai là nơi giao lưu đồ cổ, đồ cũ. Bởi thế nên tham gia chợ phải là người văn minh và người đi chợ cũng phải là người thông minh. Nơi đây có những món hàng là kỷ vật một thời nhưng lại là hành trang của cả một đời".
Chỉ mới trải qua 2 phiên chợ, chợ ve chai đã thu hút được nhiều người đắm say những món hàng cũ, cổ xưa.