Năm dân nguyện

Năm dân nguyện
TP - “Tất cả ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được chúng tôi xem xét, phân loại và chuyển đến cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Trong đó, có khá nhiều vấn đề dân nguyện đã được tiếp thu...”.

Ủy viên Thường vụ Quốc hội (QH), Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, bắt đầu câu chuyện với phóng viên Tiền Phong, về một năm dân nguyện như thế.

Năm dân nguyện ảnh 1
Ngày 6-11-2009, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh về thăm và chia sẻ với người dân Phú Yên sau cơn bão số 11 - Ảnh: TTXVN

Tiến thêm một bước

Ông Trần Thế Vượng nói: Công tác dân nguyện của nước ta năm 2009 đã được đổi mới và tiến thêm một bước.

Nếu như trước đây, tại các kỳ họp QH, ý kiến kiến nghị của cử tri được trình bày gần cuối kỳ họp (trước khi thực hiện chất vấn), thì từ kỳ họp đầu năm 2009 (kỳ họp thứ 5), báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước được báo cáo ngay phiên khai mạc, sau khi Thủ tướng trình bày báo cáo về tình hình kinh - tế xã hội.

Ngoài ra, tại kỳ họp cuối năm vừa rồi, lần đầu tiên, QH có báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri của các cơ quan nhà nước. Đây thực sự là bước tiến, thể hiện những vấn đề dân nguyện đã được các cơ quan thực sự coi trọng.

Năm dân nguyện ảnh 2
Ông Trần Thế Vượng - Ảnh: Hồng Vĩnh

Nhưng việc đó cũng chỉ là làm theo quy định của pháp luật, thưa ông?

Đúng là như vậy, việc giám sát giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri đã có quy định, nhưng chúng ta chưa làm được. Năm 2009, Ủy ban Thường vụ QH đã quyết tâm thực hiện và đã làm được.

Quốc hội là cơ quan dân cử, dân ủy nhiệm việc thực hiện quyền làm chủ cho đại biểu QH, thì ngược lại QH, đại biểu QH phải có trách nhiệm trước ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Những vấn đề gì dân nguyện đã giải quyết được, những việc gì chưa, đều phải trả lời cho cử tri biết. Thậm chí những vấn đề đặc biệt lớn, vĩ mô, chiến lược mà chưa thể giải quyết ngay được thì cũng phải có trách nhiệm trả lời.

Việc làm đó, vừa thể hiện sự tôn trọng và trách nhiệm với cử tri, vừa cung cấp thêm thông tin cho chính các đại biểu QH, trước khi bước vào thảo luận về kinh tế-xã hội và thực hiện chất vấn.

Là người phụ trách công tác dân nguyện của QH, ông quan tâm đến vấn đề gì dân kiến nghị trong năm qua?

Theo quy định, trước và sau mỗi kỳ họp, đại biểu QH đều tiếp xúc cử tri. Một năm qua, QH đã tập hợp được hàng ngàn ý kiến, kiến nghị của cử tri, liên quan đến nhiều vấn đề, từ KT-XH, tổ chức bộ máy Nhà nước, đến hoạt động lập pháp, giám sát, những vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động quản lý điều hành đất nước của Chính phủ.

Ngay trong quản lý điều hành, từ vấn đề cụ thể như quản lý đất đai, quản lý tài sản công của Nhà nước, đến vấn đề chống tham nhũng… Theo tôi, đó đều là những vấn đề thời sự, mà các cơ quan có trách nhiệm phải giải quyết.

Trung thực

Thưa ông, người dân rất băn khoăn, không biết những ý kiến, kiến nghị của mình với đại biểu QH lâu nay có thực sự được quan tâm, giải quyết?

“ Lâu nay, có người hiểu dân nguyện gồm cả ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân.

Tôi hiểu công tác dân nguyện là làm thế nào để tập hợp được trí tuệ và phát huy được ý thức công dân trong việc đóng góp xây dựng đất nước.

Đồng thời, khi đã nhận được đóng góp của người dân,  thì cơ quan dân nguyện phải ghi nhận, phân loại, đánh giá và tiếp thu được những đóng góp ấy, để xây dựng hoàn thiện bộ máy Nhà nước. Để rồi, bộ máy Nhà nước trở lại phục vụ nhân dân tốt hơn, hiệu quả hơn”.

Điều này, cử tri hoàn toàn yên tâm, những ý kiến của dân đều được tập hợp, phân loại và xử lý.

Một năm, đại biểu QH có 4 lần tiếp xúc cử tri (trước và sau mỗi kỳ họp, đại biểu QH đều phải đi tiếp xúc cử tri). Tại đây, khi cử tri có ý kiến, kiến nghị, đại biểu QH hoặc nhóm đại biểu QH có trách nhiệm ghi chép, lập thành văn bản.

Sau đó, chuyển những ý kiến, kiến nghị đó cho Văn phòng đoàn đại biểu QH, và Văn phòng tổng hợp lại các ý kiến, kiến nghị của cử tri địa phương đó, gửi cho Ủy ban Thường vụ QH.

Sau khi tập hợp 63 báo cáo của 63 tỉnh, thành, Ban Dân nguyện có trách nhiệm giúp Ủy ban Thường vụ QH tổng hợp các kiến nghị cử tri cả nước, rồi phối hợp cơ quan chức năng để phân loại.

Ý kiến, kiến nghị thuộc chức năng giải quyết của cơ quan nào thì chúng tôi chuyển đến cơ quan đó xem xét, giải quyết.

Và khi cơ quan có trách nhiệm có văn bản có trả lời rồi, thì phải gửi về Đoàn ĐBQH, nơi mà kỳ họp trước, khi tiếp xúc cử tri họ nêu ra. Và ĐBQH, khi anh đi tiếp xúc lần sau, phải báo cáo cho cử tri về những kiến nghị của họ đã được giải quyết như thế nào.

Như vậy, cử tri nào có ý kiến cũng nhận được trả lời, thưa ông?

Hiện chúng tôi chưa làm được việc này. Bởi cơ chế để thông tin đến cử tri như thế nào, hiện còn vướng. Nói là gửi cho đoàn đại biểu QH, để khi đi tiếp xúc cử tri thì báo cáo, nhưng đại biểu QH nay tiếp xúc cử tri ở xã này, mai xã khác, thành thử, đại biểu QH không gặp lại được cử tri để báo cáo.

Sao mình không gửi văn bản trả lời cho cử tri, thưa ông?

Đây cũng là vấn đề Ủy ban Thường vụ QH đang bàn cơ chế để thực hiện. Nếu gửi văn bản thì gửi cho ai? Theo tôi, tới đây có thể gửi cho UBND xã. Sau đó, xã sẽ có trách nhiệm thông báo công khai trên hệ thống thông tin để dân biết.

Luật hóa ý kiến

Thưa ông, lâu nay, những kiến nghị của cử tri có nhiều ý kiến được tiếp thu, giải quyết không?

Cái này mình chưa có thống kê, tuy nhiên, có khá nhiều vấn đề cử tri kiến nghị đã được cơ quan chức năng điều chỉnh, tiếp thu. Thậm chí, có những ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được QH xem xét, đưa vào luật.

Ví dụ, trước khi có Luật Người cao tuổi, chúng ta quy định, những cụ già từ 90 tuổi trở lên, thì được hưởng trợ cấp của Nhà nước. Khi triển khai, người dân thấy bất cập, vì tuổi thọ của người Việt không cao như một số nước phát triển, nên số cụ thọ 90 trở lên không nhiều, vì vậy cử tri kiến nghị chỉ nên quy định tuổi hưởng trợ cấp từ 80 trở lên. Vừa rồi, QH thông qua Luật Người cao tuổi đã tiếp thu...

Tất nhiên, cũng có những ý kiến, kiến nghị của cử tri không thể giải quyết ngay được, vì là vấn đề khó, hoặc vấn đề chưa chín muồi.

Nâng tầm tổ chức

Với bộ máy tổ chức dân nguyện như hiện nay có đáp ứng được yêu cầu, khi mà quyền làm chủ của dân ngày càng được coi trọng, thưa ông?

Tôi cũng đã tìm hiểu, suy nghĩ, nghiên cứu, kể cả ở nước ngoài, thấy vấn đề dân nguyện được các nước rất coi trọng. Ví dụ như ở Cộng hòa Séc, Ủy ban dân nguyện là cơ quan được quy định trong Hiến pháp.

Còn ở ta, Hiến pháp đã nói rõ tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, và nhân dân thực hiện quyền lực của mình qua QH và HĐND.

Quốc hội và HĐND do cử tri bầu ra. Cử tri tín nhiệm bầu ra đại biểu QH, đồng nghĩa đã  ủy thác cho đại biểu thực hiện quyền lực nhà nước thay mình. Vì thế, sau khi bầu ra đại biểu, thì anh phải giữ mối liên hệ để người dân kiểm soát, xem anh đã thực thi quyền lực mà tôi ủy thác như thế nào.

Bởi vậy, phải tổ chức như thế nào để cơ quan dân nguyện giúp QH lắng nghe được ý kiến, nguyện vọng của người dân, để khi QH thực hiện các quyền lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đều thể hiện được ý chí, nguyện vọng của dân.

Bởi vậy, theo tôi, QH cần lập Ủy ban Dân nguyện, chứ không phải là Ban Dân nguyện do Ủy ban Thường vụ QH lập ra như hiện nay.

Ủy ban này chuyên xử lý ý kiến, kiến nghị của cử tri, thực hiện thẩm tra dự án luật, và giám sát những vấn đề thuộc lĩnh vực dân nguyện. Và có thể thực hiện cả những cuộc điều tra, thăm dò dư luận, đo lòng dân chẳng hạn...Như thế, hoạt động sẽ có hiệu quả hơn.

Thưa ông, ngay cả quy trình giải quyết những vấn đề dân nguyện cũng cần được luật hóa. Như vậy, ý kiến, kiến nghị của người dân sẽ được cơ quan chức năng giải quyết hiệu quả hơn?

Những quy định giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri hiện đã có nhưng nằm rải rác và phân tán ở khá nhiều văn bản, với những cấp độ khác nhau, như: quy định trong Nội quy kỳ họp, Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban TVQH với Mặt trận Tổ quốc...

Tuy nhiên, do phân tán như vậy nên không tiện khi áp dụng, thậm chí khó tránh khỏi sự chồng chéo. Nên theo tôi, sắp tới, có thể quy định đầy đủ thành một chương trong Luật Tổ chức QH, hoặc nên có một văn bản riêng, có thể chưa thành luật thì ban hành một nghị quyết của QH.

Cảm ơn ông.

Bá Kiên
Thực hiện

MỚI - NÓNG