Năm 2020 có tăng giá điện: Bỏ ngỏ câu trả lời

 Năm 2020 dự kiến sẽ phải huy động trên 3,34 tỷ kWh điện dầu với chi phí tăng thêm vào giá điện khoảng 14.000 tỷ đồng
Năm 2020 dự kiến sẽ phải huy động trên 3,34 tỷ kWh điện dầu với chi phí tăng thêm vào giá điện khoảng 14.000 tỷ đồng
TP - Dự báo năm 2025, Việt Nam sẽ thiếu nguồn điện tương đương khoảng 8 tỷ kWh và với hơn 3,34 tỷ kWh điện từ chạy dầu dự kiến được huy động, giá thành điện năm tới sẽ đội thêm khoảng 14.000 tỷ đồng.

Vẫn treo hơn 3.000 tỷ chênh lệch tỷ giá

Tại buổi công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 18/12, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn cho hay, với hơn 698 tỷ đồng lợi nhuận của năm 2018 nếu tính theo với chủ sở hữu của EVN, đây là mức lợi nhuận rất thấp, chỉ tương ứng tỷ suất lợi nhuận 0,47%.

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Điều tiết Điện lực, sở dĩ EVN có lợi nhuận là năm 2018 không điều chỉnh giá điện nên hai khoản chênh lệch tỷ giá của năm 2015 và năm 2017 khoảng hơn 3.090 tỷ đồng vẫn được treo lại và chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2018. Nếu phân bổ đủ các khoản chênh lệch tỷ giá này vào giá điện trong năm qua, EVN sẽ không có lợi nhuận và bị lỗ.

Ông Tuấn cho hay, năm 2018, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN hơn 332,2 nghìn tỷ đồng. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm qua là 1.727,14 đồng/kWh, tăng 3,58% so với năm 2017. Năm qua là năm khá khó khăn với ngành điện khi lượng nước về các hồ chứa đạt khoảng 365 tỷ m3, thấp hơn khoảng 12 tỷ m3 so với năm trước đó. Nước về ít nên sản lượng điện từ thủy điện cũng thấp. Để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, lượng điện huy động từ các nguồn điện than, tua bin khí, năng lượng tái tạo cao hơn năm 2017 rất nhiều.

Bên cạnh đó, giá than nhập khẩu cũng tăng khá mạnh, lên tới hơn 20,42% với than Coalfax và 21,34% với than NewCastle Index. Giá than nhập khẩu tăng làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy sử dụng than nhập khẩu như Formosa Đồng Nai, Formosa Hà Tĩnh và Duyên Hải 3. Giá dầu DO và FO cũng tăng hơn 20%, tỷ giá tăng 1,37%.

296,1 tỷ đồng bù lỗ giá điện cho các huyện, xã đảo

Số liệu từ Bộ Công Thương, theo các quy định của Chính phủ về hỗ trợ giá điện cho các vùng đặc thù, năm 2019, ngành điện phải chi tổng cộng 296,1 tỷ đồng bù lỗ giá điện cho các xã đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia. Các chi phí bù lỗ này đều được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018.

Cụ thể, tại huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), giá bán điện cho người dân ở mức 1.797 đồng/kWh, chỉ bằng hơn 30,7% giá thành sản xuất và ngành điện phải bù lỗ 4.052,8 đồng cho kWh điện sử dụng trên đảo. Tại huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), giá thành sản xuất điện 6.274 đồng/kWh nhưng chỉ bán cho người dân 2.181 đồng/kWh, bằng 34,76% giá thành.

Mức bù lỗ giá điện cho người dân ở huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) và huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) cũng khá cao, lên tới 8.848 đồng/kWh và 10.137 đồng/kWh... Đặc biệt, riêng tại huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), giá bán điện 1.750 đồng/kWh , chỉ bằng 0,94% chi phí giá thành sản xuất của ngành điện. Giá thành sản xuất tại huyện đảo có ý nghĩa đặc biệt này lên tới 186.955,8 đồng/kWh.

Năm 2020 có tăng giá điện: Bỏ ngỏ câu trả lời ảnh 1
Chưa trả lời được năm 2020 có tăng giá điện hay không

Về cấp điện cho năm 2020 trong bối cảnh hàng loạt thủy điện lớn đang thiếu nước nghiêm trọng, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, do thiếu nước, ở nhiều hồ thủy điện, lượng điện dầu huy động trong năm 2019 ước khoảng 1,7 tỷ kWh và dự kiến năm 2020 sẽ phải huy động 3,34 tỷ kWh từ điện chạy dầu, tương ứng số tiền phải chi thêm để chạy dầu ước tính lên tới 14.000 tỷ đồng. Năm 2020 nếu nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao hơn dự kiến và nước về hồ thủy điện thấp hơn thì lượng điện từ đốt dầu phải huy động sẽ còn phải cao hơn rất nhiều.

“Các nguồn điện đắt tiền này chúng tôi sẽ phải cân đối rất kỹ và sẽ chỉ huy động trong những tình huống cần thiết, trong trường hợp các nguồn điện giá rẻ đã được huy động hết công suất”, ông Tuấn cho hay.

Về việc năm 2020 dự báo sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trong bối cảnh nhiều dự án điện của các tập đoàn kinh tế như Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam bị chậm tiến độ và trách nhiệm thuộc về ai, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, các đồng chí có trách nhiệm trong Chính phủ trở xuống sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, việc đảm bảo cấp điện cho nền kinh tế được các cơ quan có liên quan của Bộ Công Thương và EVN tính toán kỹ. Việc huy động nhiều điện từ chạy dầu sẽ ảnh hưởng rất lớn với tình hình tài chính của EVN. Với sức ép chi phí tăng lên nhiều như vậy, theo ông Vượng, hiện cũng chưa thể có câu trả lời về việc có tăng giá điện trong năm 2020 hay không. Lý do là để tăng giá điện sẽ phải có tính toán tổng thể chi phí giá thành và các yếu tố đầu vào của ngành điện.

“Với chi phí sản xuất giá điện hiện nay, mỗi kWh làm ra, EVN chỉ có mức lãi 4 đồng. Vì vậy, nếu phải huy động điện từ đốt dầu rất lớn thì tình hình tài chính của EVN về lâu dài sẽ rất khó khăn. Từ nay đến 2025, dự báo Việt Nam sẽ phải đối mặt với khả năng thiếu 7-8 tỷ kWh mỗi năm. Vì vậy cần giải pháp để các dự án điện không bị chậm tiến độ và triển khai các giải pháp tích cực khác để không bị rơi vào tình cảnh nguy cấp”, ông Vượng nói.

Theo thông tin từ Cục Điều tiết Điện lực, năm 2019 Việt Nam phải mua điện từ Trung Quốc 2,2 tỷ kWh, Lào hơn 1,1 tỷ kWh. Năm 2020 cũng sẽ phải nhập khẩu điện với mức tương tự. Năm 2020, dự kiến phải huy động 132 tỷ kWh điện từ nhiệt điện than. Lượng than sử dụng dự kiến trên 66 triệu tấn. Trong đó, xấp xỉ 15 triệu tấn nhập khẩu, còn lại là đơn vị trong nước cung cấp.

MỚI - NÓNG