Sáng 20/5, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV khai mạc tại Hà Nội. Báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo cơ sở tăng giá xăng, minh bạch cách tính giá điện, thời điểm tăng giá điện. Cùng với đó, cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân để đầu tư, xây dựng các dự án quan trọng quốc gia.
Chống “lợi ích nhóm”
Báo cáo trước Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, từ đầu năm đến nay tình hình kinh tế- xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,71%, thấp nhất trong 3 năm qua. Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 6,79%, trong đó ngành thủy sản tăng 5,1%, cao nhất so với cùng kỳ 9 năm gần đây.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, nền kinh tế cũng còn những tồn tại, hạn chế, trong đó kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc do giá dầu thô, xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi diễn biến bất ổn, khó lường. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm. Việc xử lý dự án yếu kém, thua lỗ còn gặp khó khăn. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, “tham nhũng vặt” của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa được ngăn chặn hiệu quả. Đổi mới giáo dục đào tạo vẫn còn bất cập; chưa xử lý hiệu quả tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ…
“Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế”
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình
Thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Chính phủ kiên định các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, Chính phủ sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống “lợi ích nhóm”, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, đầu tư công, các dự án BT, BOT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”... và “tham nhũng vặt” trong thực thi công vụ.
Chính phủ cũng: Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn, thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát; Có cơ chế xử lý kịp thời tài sản liên quan các vụ án kinh tế, tham nhũng, không để tài sản xuống cấp, đóng băng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân liên quan.
Khuyến khích tư nhân đầu tư dự án quan trọng quốc gia
Tán thành với các giải pháp được nêu trong báo cáo của Chính phủ, song đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị phân tích, đánh giá đầy đủ thực trạng cũng như chất lượng cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về việc tăng sản lượng khai thác dầu thô khá lớn so với số đã báo cáo Quốc hội (tăng 240.000 tấn dầu thô).
Về tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, Ủy ban Kinh tế cho rằng “đạt rất thấp”. Việc thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia còn nhiều vướng mắc. Các dự án hạ tầng đầu tư theo hình thức PPP, nhất là dự án BOT, BT ngành giao thông đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, một số dự án giao thông quan trọng quốc gia vẫn chậm trong khâu giải ngân, triển khai thực địa; hệ thống giao thông kết nối TPHCM với các tỉnh lân cận chậm được cải thiện, gây tắc nghẽn giao thông, giảm tác động lan tỏa trong phát triển. Tiến độ xử lý các vướng mắc liên quan dự án BOT, minh bạch trong quản lý thu phí, thay đổi phương thức quản lý trong bối cảnh ứng dụng công nghệ hiện đại, việc thu phí tự động không dừng… triển khai còn chậm.
Nhấn mạnh những đóng góp lớn của khu vực kinh tế tư nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước đã và đang đầu tư mạnh vào nhiều lĩnh vực như hạ tầng giao thông, cảng hành khách quốc tế, hàng không, sân bay, bệnh viện, sản phẩm công nghệ cao.... Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân để đầu tư, xây dựng các dự án quan trọng quốc gia.
Về hoạt động doanh nghiệp, Ủy ban Kinh tế cảnh báo tình trạng chuyển giá, lỗ giả lãi thật, trốn thuế, gây thất thu ngân sách, tác động không tốt đến môi trường đầu tư của một số doanh nghiệp vẫn còn tồn tại, chưa được xử lý nghiêm và hiệu quả. Đối với việc tăng giá điện, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, minh bạch trong cách tính giá điện, thời điểm tăng giá điện và tác động của việc tăng giá xăng, giá điện đối với CPI, cũng như các mặt kinh tế, xã hội.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, đã thực hiện thanh tra, làm rõ việc tăng giá điện, phương pháp tính và thu tiền điện, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật.
“Việc điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án nghiêm trọng như AVG, “Vũ Nhôm”, “Út Trọc” mở rộng, Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, cảng Quy Nhơn… được dư luận đồng tình ủng hộ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân”, theo Báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội của Chính phủ.
“Nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước đã và đang đầu tư mạnh vào nhiều lĩnh vực như hạ tầng giao thông, cảng hành khách quốc tế, hàng không, sân bay, bệnh viện, sản phẩm công nghệ cao.... Do đó, cần khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân để đầu tư, xây dựng các dự án quan trọng quốc gia…”, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội.