Theo Bộ GD&ĐT, để được công nhận và tuyển sinh vào ĐH, CĐ thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu), gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và môn do thí sinh chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.
Kết quả môn thi được sử dụng kết hợp với điểm trung bình cả năm lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cũng được sử dụng để tuyển sinh vào các ngành phù hợp của các trường ĐH, CĐ (nếu các trường sử dụng các môn này để tuyển sinh). Ngoài ra, để có thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh đăng ký thi thêm các môn tự chọn khác.
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ cần đăng ký thi các môn phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy học được chọn một môn thi thay thế trong số các môn tự chọn.
Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD&ĐT sẽ được xem xét miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Tổ chức coi thi chấm thi theo các cụm tập trung do trường ĐH được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ chủ trì. Tại các địa phương đặc biệt khó khăn, không có cụm thi do trường ĐH chủ trì, những thí sinh dự thi 4 môn tối thiểu để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, không lấy kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh (phương án tuyển sinh sẽ được công bố trước ngày 15/10/2014) thi đề chung như các thí sinh khác, nhưng thi tại cụm thi ở địa phương do Sở GD&ĐT chủ trì.
Theo Bộ GD&ĐT, thí sinh sẽ dự thi trước và sau khi có kết quả thi mới đăng ký tuyển sinh vào các ngành của trường ĐH, CĐ. Và cũng theo đó, các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh làm phương án tuyển sinh của trường gửi về Bộ GD&ĐT.
Các trường ĐH, CĐ không sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh hoặc chỉ sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh một phần chỉ tiêu, phần còn lại tuyển sinh bằng phương án khác thì xây dựng đề án tuyển sinh riêng của trường trước ngày 31/10/2014.
Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, đề thi hướng vào mục tiêu đánh giá năng lực người học, bảo đảm phân hóa tốt trình độ thí sinh, có phổ điểm kết quả hợp lý chứ không giống các kỳ thi trước đây còn nghiêng về đo lường kết quả học sinh học được cái gì chứ chưa đánh giá được học sinh vận dụng kiến thức như thế nào .
Được biết kỳ thi THPT quốc gia này sẽ vẫn được giữ ổn định đến năm 2016.