Theo RT, Washington hôm qua (14/8) xác nhận thông tin Mỹ bắt giữ 4 tàu chở dầu của Iran, đồng thời gọi đây là vụ bắt giữ nhiên liệu Iran lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ.
Bộ Tư pháp Mỹ úp mở về “sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài” trong quá trình bắt bớ, nhưng vị trí nơi xảy ra vụ việc chưa được tiết lộ.
Trước đó, tờ Wall Street Journal trích dẫn một số nguồn tin chính phủ cho biết 4 tàu chở dầu chứa đầy nhiên liệu của Iran (có tên Luna, Pandi, Bering và Bella) đã bị bắt giữ “mà không cần dùng vũ lực” khi đang trên đường đến Venezuela.
Theo WSJ, nhóm tàu này sẽ chuyển hướng đến cảng Houston (bang Texas), và dự kiến được đón bởi một nhóm quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ.
Tổng thống Trump xác nhận tàu chở dầu Iran đang đến Houston, nhưng ông từ chối trả lời khi được hỏi Mỹ sẽ làm gì với những con tàu này khi chúng đến nơi.
“Chúng tôi sẽ thông báo sau”, ông Trump nói với các phóng viên.
Tuy nhiên, Đại sứ Iran tại Venezuela - Hojat Soltani - hôm qua đã bác bỏ báo cáo của tờ WSJ, nhấn mạnh số tàu chở dầu nói trên “không phải của Iran”.
Ông Soltani cho rằng thông tin về vụ bắt bớ là “lời dối trá và đòn chiến tranh tâm lý khác từ bộ máy tuyên truyền của Mỹ”.
“Những tàu chở dầu đó không phải của Iran, chủ sở hữu hay cờ treo trên tàu đều không liên quan đến Iran”, Đại sứ Iran tuyên bố.
Theo Sputnik, vụ bắt giữ dường như liên quan đến sự xuất hiện của 5 tàu chở dầu Iran ở Venezuela hồi đầu năm. Tehran được cho là đã giao 1,5 triệu thùng nhiên liệu cho Venezuela - quốc gia cũng đang bị Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế.
Trước đó, ngày 10/8, Pakistan đã bắt giữ một tàu chở dầu của Iran tại cảng Karachi theo lệnh của chính phủ Mỹ. Nhưng tên của tàu chở dầu này chưa từng được công bố, nên hiện chưa rõ đó có phải là 1 trong số 4 chiếc tàu đang trên đường đến Houston hay không.
Chính quyền Trump bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc đối với Tehran bắt đầu từ tháng 8/2018, với mục tiêu giảm xuất khẩu dầu của Iran, đồng thời bóp nghẹt các ngành công nghiệp khác của Iran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Iran đã vi phạm Kế hoạch Hành động Toàn diện chung năm 2015 (hay còn gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran), một thỏa thuận 8 bên, trong đó Iran đồng ý áp dụng các quy tắc hạn chế sử dụng năng lượng hạt nhân và tích trữ uranium tinh chế để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.