Bất chấp việc được Washington cung cấp thông tin về các sở chỉ huy, kho đạn và các mục tiêu khác của Nga, các quan chức Ukraine từ trước đến nay vẫn miễn cưỡng tiết lộ kế hoạch hoạt động cho đối tác Mỹ vì lo ngại điều này “có thể làm lộ ra những điểm yếu và ảnh hưởng đến sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Kiev”, New York Times nhận định.
Nhưng tất cả đã thay đổi vào mùa hè khi Kiev quyết định chia sẻ kế hoạch phản công với Washington vì tin rằng việc này sẽ lôi kéo Mỹ tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ nói.
Sự thay đổi này cho phép Mỹ “cung cấp nhiều thông tin chất lượng hơn về những điểm yếu của Nga”, các nguồn tin cho biết. Tuy nhiên, họ từ chối tiết lộ về lượng thông tin đã được chia sẻ giữa các bên, cũng như mức độ tham gia của Mỹ trong chiến dịch phản công của Ukraine.
Một quan chức cho biết Mỹ đã “liên tục thảo luận” với Ukraine về các cách thức có thể cản trở bước tiến của Nga ở phía Đông đất nước.
Chiến dịch phản công quy mô lớn của Ukraine – sử dụng những vũ khí tiên tiến do Mỹ và các quốc gia phương Tây khác cung cấp – đã khai màn ở Kharkov hôm 8/9 sau khi nỗ lực phản công của Kiev ở các khu vực khác thất bại.
Hôm 10/9, Bộ Quốc phòng Nga thông báo về việc rút quân khỏi thành phố Izyum và một số khu vực khác ở Kharkov, với lý do “tái tập hợp lực lượng hướng về Donbass”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ăn mừng động thái rút lui của Nga, gọi đây là một chiến thắng của quân đội. Nhưng New York Times chỉ ra rằng “hiện vẫn chưa rõ những kết quả này sẽ tác động như thế nào đến cục diện tình hình”.
Mátxcơva đã nhiều lần cảnh báo Washington không nên cung cấp vũ khí và chia sẻ dữ liệu tình báo với Ukraine, đồng thời cho rằng Mỹ có thể sẽ trở thành một bên trong cuộc xung đột bằng những hành động này.