Mỹ - Trung tăng tốc “ăn miếng trả miếng”

Đậu nành Mỹ nằm trong danh sách bị tăng thuế khi vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: GETTY IMAGES.
Đậu nành Mỹ nằm trong danh sách bị tăng thuế khi vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: GETTY IMAGES.
TP - Hôm qua, sau khi Washington tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu lên hàng Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD, Bắc Kinh lập tức đưa ra danh sách đánh thuế tương tự nhằm vào nhiều loại sản phẩm Mỹ, trong đó có đậu nành, máy bay, ô-tô, rượu và hóa chất.

Tốc độ ăn miếng trả miếng giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng nhanh. Chính phủ Trung Quốc mất chưa đến 11 giờ để đưa ra biện pháp đáp trả, khiến các thị trường chứng khoán và hàng hóa toàn cầu nhanh chóng hứng đòn. Giới đầu tư băn khoăn liệu xung đột tồi tệ này có dẫn đến cuộc chiến thương mại toàn lực giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hay không.

“Trước có giả định rằng Trung Quốc sẽ không đáp trả quá mạnh và tránh leo thang căng thẳng, nên phản ứng lần này của Trung Quốc khiến nhiều người ngạc nhiên”, Reuters dẫn lời ông Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế học về Trung Quốc tại tổ chức Capital Economics. Chuyên gia này nhấn mạnh, cả Mỹ và Trung Quốc đều chưa quyết định chính thức triển khai chính sách thuế mới.

“Điều này giống trò dọa nhau trên miệng hố hơn, họ tuyên bố rõ thiệt hại sẽ là bao nhiêu, với hy vọng cả hai bên đi đến thỏa thuận và không loại thuế nào bị tăng”, ông Pritchard nói. Danh sách tăng 25% thuế lên các mặt hàng Mỹ nhằm vào 106 mặt hàng với tổng giá trị nhập khẩu vào Trung Quốc là 50 tỷ USD, nhưng thời gian áp dụng sẽ phụ thuộc vào thời gian triển khai của Mỹ, giới chức Trung Quốc cho biết.

Trong khi danh sách của Washington nhằm vào nhiều mặt hàng công nghiệp không được nhập khẩu trên thực tế, danh sách của Bắc Kinh gọi tên các loại hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ, trong đó có đậu nành, thịt bò đông lạnh, bông và nhiều loại nông sản chủ chốt của các bang từ Iowa đến Texas, các địa bàn đã bỏ phiếu cho ông Donald Trump trong cuộc chạy đua tổng thống năm 2016. “Đây thực sự là một nhân tố thay đổi cuộc chơi và việc chuyển sự tranh chấp thương mại từ chỗ chỉ mang tính biểu tượng sang các biện pháp thực sự sẽ gây tổn thương cho ngành xuất khẩu nông sản của Mỹ”, nhà phân tích hàng hóa Carsten Fritsch của ngân hàng Đức Commerzbank đánh giá.

Danh sách tăng thuế mà Trung Quốc đưa ra cũng gồm mặt hàng máy bay, có thể sẽ nhằm vào mẫu máy bay thân hẹp 737 của hãng Boeing nhưng không phải các mẫu mới hơn như 737 MAX hay các dòng thân rộng. Nhiều hàng điện tử tiêu dùng như điện thoại di động của hãng Apple, laptop của Dell hay các mặt hàng giày và quần áo không bị đưa vào danh sách đánh thuế, khiến các nhà bán lẻ thở phào.

Một số người trong ngành công nghệ Mỹ nói rằng, danh sách lần này khá bất ngờ vì loại trừ hầu hết sản phẩm công nghệ vốn là các mặt hàng chủ lực của Trung Quốc xuất sang Mỹ. “Ngành công nghệ sẽ cảm thấy họ vừa tránh được một viên đạn”, Reuters dẫn lời một nguồn tin trong ngành. Nguồn tin này cho rằng, các nhà sản xuất hàng công nghiệp khác cùng các hãng thiết bị y tế và dược phẩm sẽ hứng chịu.

Nhiều nhóm doanh nghiệp Mỹ ủng hộ nỗ lực của ông Trump phải ngăn chặn tình trạng Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ, nhưng họ cũng hoài nghi liệu các biện pháp thuế quan có phải cách tiếp cận đúng. Việc làm gián đoạn các chuỗi cung ứng phụ thuộc vào linh kiện Trung Quốc cuối cùng sẽ làm gia tăng chi phí mà người tiêu dùng phải gánh chịu.

Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) soạn thảo danh sách tăng thuế dựa trên một thuật toán máy tính nhằm chọn ra những sản phẩm có thể gây tổn thất nhiều nhất cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc nhưng hạn chế thiệt hại đối với người tiêu dùng Mỹ. Hơn 200 sản phẩm trong danh sách USTR đưa ra không được nhập khẩu vào Mỹ trong năm ngoái, trong đó có mặt hàng máy bay cỡ lớn và vệ tinh liên lạc, còn một số mặt hàng khác cũng khó được nhập vào Mỹ như súng cối, lựu đạn... USRT dự định tổ chức điều trần công khai vào ngày 15/5 về việc tăng thuế này.

Trung Quốc đạt thặng dư thương mại 375 tỷ USD với Mỹ trong năm 2017, con số mà ông Trump yêu cầu phải cắt bớt 100 tỷ USD.

Tác động lên chứng khoán toàn cầu

Thông báo hôm qua của Bắc Kinh khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt mất điểm. Chỉ số chứng khoán tương lai tại Mỹ giảm 1,5% và các hợp đồng mua bán đậu nành Mỹ mất gần 5% và đang trên đà tiến tới mức sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2016. Đông đô la Mỹ nhanh chóng mất giá, và đồng nhân dân tệ cũng trượt dốc.

Chỉ số chứng khoán Hong Kong giảm 2,2% trong phiên giao dịch cuối ngày hôm qua xuống dưới 30.000 điểm, lần đầu tiên trong vòng 1 tháng qua. Tại Trung Quốc đại lục, chỉ số chứng hoán Shanghai Composite Index đến cuối ngày mất 0,2%, đánh dấu mức giảm trong 3 ngày liên tiếp. Tại các thị trường châu Âu, chỉ số Dax của Đức giảm 1,1%, còn chỉ số FTSE của Anh tụt 0,4%.

Trong khi đó, đồng yen Nhật và giá vàng đều tăng do giới đầu tư chuyển sang các loại hàng an toàn hơn. Chỉ số giá vàng tương lai tăng 0,7% lên mức 1.346 USD/ounce.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.