Mỹ, Trung Quốc chạy đua phát triển vũ khí siêu vượt âm

Mỹ, Trung Quốc chạy đua phát triển vũ khí siêu vượt âm
TPO - Mỹ, Nga và Trung Quốc đang rót nhiều tiền cho các công nghệ siêu vượt âm (mỗi giây tên lửa bay được vài kilomet), trong khi Lầu Năm Góc dường như tụt hậu, ít nhất là về tên lửa siêu vượt âm mang đầu đạn hạt nhân, News Week đưa tin ngày 7/5.

Trong khí động học, tốc độ siêu vượt âm (hypersonic) là tốc độ vượt xa tốc độ âm thanh, thường được ghi nhận từ tốc độ Mach 5 đến Mach 10, cụ thể 6.174-12.348 km/h, tương đương 1.715-3.430 mét/giây. Tốc độ siêu âm (supersonic) là từ Mach 1,2 đến 5, cụ thể 1.482-6.174 km/h, tương đương 412-1.715 mét/giây.

Vũ khí siêu vượt âm không chỉ bay với tốc độ cực kỳ nhanh mà còn có thể di chuyển linh hoạt trong quá trình bay khiến chúng rất khó bị theo dõi và đánh chặn. Tên lửa đạn đạo hiện đại nhất hiện nay vẫn bị theo dõi và đánh chặn tương đối dễ dàng. Vì vũ khí siêu vượt âm di chuyển linh hoạt nên cũng sẽ khó biết chúng sẽ tấn công mục tiêu nào.

Hiện nay, Mỹ vẫn có quân đội hùng mạnh nhất thế giới với sự hỗ trợ của ngân sách khổng lồ. Chi phí quốc phòng Mỹ lớn hơn 7 quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn nhất sau Mỹ cộng lại. Các đối thủ của Mỹ phải cân nhắc các phương pháp thông minh để bắt kịp Mỹ, ít nhất là ở cấp độ địa phương hoặc khu vực.

Lý do Trung Quốc chế tạo siêu vũ khí

Theo giới quan sát Mỹ, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đang tăng theo hướng khai thác các điểm yếu của Mỹ và thống trị Đông Á. Bắc Kinh đang hy vọng vũ khí siêu vượt âm của họ sẽ là một thành tố chính trong chiến lược gây rối này.

Có hai loại vũ khí siêu vượt âm là tên lửa hành trình siêu vượt âm (HCM) và phương tiện trượt siêu vượt âm (HGV). HGV được phóng đi bằng tên lửa đạn đạo nhưng thành phần siêu vượt âm không có động cơ. HCM có thể được phóng đi bằng các phương tiện khác như máy bay chiến đấu, tàu chiến và tự hoạt động nhờ động cơ bên trong. Cả hai loại vũ khí này có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường.

Trung Quốc đang phát triển cả hai loại vũ khí siêu vượt âm. Theo ông Douglas Barrie, chuyên gia về hàng không-vũ trụ quân sự tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Mỹ), Bắc Kinh chỉ cần một vài năm nữa là hoàn tất việc trang bị HGV.

Trung Quốc đã trang bị cho mình các loại tên lửa mang tính răn đe cao như đạn đạo, cận âm, siêu âm. Nếu có thêm HGV, tính răn đe càng cao. “HGV bay ở độ cao mà các hệ thống radar hiện nay không với tới. Với tốc độ cực nhanh, chúng cũng khiến đối phương có rất ít thời gian để phản ứng, để ra quyết định. Nếu Trung Quốc có tên lửa hành trình siêu vượt âm, bức tranh phòng thủ sẽ trở nên phức tạp”, ông Barrie nói.

“Bất kỳ hệ thống nào giảm khả năng phản ứng và thời gian ra quyết định cũng có thể gia tăng sự bất ổn”, ông nhận định. Việc Trung Quốc quan tâm HGV một phần có thể vì họ muốn chống lại các hệ thống phòng thủ tên lửa đã được lắp đặt hoặc có thể được triển khai ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mỹ, Trung Quốc chạy đua phát triển vũ khí siêu vượt âm ảnh 1

Trung Quốc thử nghiệm HGV DF-17. Đồ họa: Defense World.

Các mục tiêu của tên lửa siêu vượt âm

Vũ khí siêu vượt âm sẽ trở thành một thành tố chính trong chiến lược quân sự của Trung Quốc. Khả năng triển khai lực lượng của Mỹ phụ thuộc vào các căn cứ quân sự trong khu vực và tàu sân bay. Chuyên gia an ninh không gian và biển James Bosbotinis (Anh) cho rằng, các căn cứ quân sự trong khu vực và tàu sân bay là những mục tiêu giá trị cao mà vũ khí siêu vượt âm tập trung vào, đặc biệt là những nơi vũ khí cần lẩn tránh hệ thống phòng thủ tên lửa.

“Các cơ sở đầu não, trung tâm chỉ huy và điều khiển chính, cơ sở dưới mặt đất, căn cứ không quân, hệ thống liên quan nhiều tới yếu tố thời gian như bệ phóng tên lửa di động, các mục tiêu trên biển đều nằm trong tầm ngắm của vũ khí siêu vượt âm”, ông Bosbotinis nói.

Một khi được triển khai, vũ khí siêu vượt âm sẽ nâng cao đáng kể khả năng tấn ông của trung Quốc ở Đông Á, ông Bosbotinis nhận định. Ví dụ, HGV DF-17 (Lầu Năm Góc gọi là WU-17) có tầm bắn ước tính 1.800-2.500 km và hệ thống này của Trung Quốc có thể đi vào hoạt động từ năm 2020. Vào thời điểm đó, DF-17 có thể là HGV đầu tiên của thế giới.

Dù có khả năng răn đe cao, vũ khí siêu vượt âm “không phải là thuốc tiên hay thiên hạ vô địch vì các vụ tấn công chính xác tầm xa phụ thuộc vào một chuỗi hỗ trợ liên quan thiết bị và thông tin tình báo, giám sát, do thám mà bản thân những thiết bị này dễ bị tấn công”, ông Bosbotinis nói.

Ngoài ra, Mỹ đang theo sát Trung Quốc. Vũ khí phản ứng nhanh tiên tiến AGM-183A (ARRW) của Mỹ có thể đạt tốc độ Mach 20 – gấp 4 lần vũ khí nhanh nhất của Trung Quốc hoặc Nga. ARRW đang trong giai đoạn thử nghiệm, có thể được phóng từ máy bay ném bom. Một dự án khác của Mỹ mang tên Vũ khí tấn công truyền thống siêu vượt âm có thể đưa tên lửa siêu vượt âm vào hoạt động từ năm 2022.

Trong khi Mỹ có thể xếp sau Trung Quốc và Nga về vũ khí siêu vượt âm mang đầu đạn hạt nhân, Lầu Năm Góc vẫn chiếm thế thượng phong về vũ khí mang đầu đạn thông thường. Theo Business Insider, điều này phù hợp với học thuyết quân sự của Mỹ hơn, dù vũ khí siêu vượt âm mang đầu đạn truyền thống cần độ chính xác cao hơn, đồng nghĩa với việc cần nghiên cứu sâu hơn.

Mỹ, Trung Quốc chạy đua phát triển vũ khí siêu vượt âm ảnh 2

Máy bay ném bom B-52 Stratofortress của Mỹ mang nền tảng thử nghiệm siêu vượt âm X-51A Waverider (màu trắng) ở dưới cánh máy bay. Ảnh: US Air Force.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.