> Biển Đông trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung
> Rèn cán, chỉnh quân, ông Tập Cận Bình mưu tính gì?
Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ ông Tập Cận Bình (trái) khi ông Tập là Phó Chủ tịch Trung Quốc. Ảnh: Getty Images. |
Cuộc gặp ngày 7 và 8/6 là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai bên từ khi ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Trung Quốc hồi tháng 3. Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc sẽ “thảo luận sâu về nhiều vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu”, Nhà Trắng thông báo hôm qua. “Họ sẽ xem lại tiến triển và những thách thức trong quan hệ Mỹ - Trung bốn năm qua và thảo luận biện pháp tăng cường hợp tác, quản lý khác biệt trong những năm tới”.
Tranh thủ sự ủng hộ lẫn nhau
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Thomas Donilon sẽ thăm Trung Quốc vào cuối tháng 5 để chuẩn bị cho cuộc họp. Cả hai bên đều không cung cấp chi tiết các chủ đề sẽ được bàn. Nhưng theo các nhà phân tích, căng thẳng với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ ba hồi tháng 2 rất có khả năng sẽ được bàn tới, bên cạnh vấn đề Syria.
Mỹ từng nhiều lần kêu gọi Trung Quốc áp dụng những biện pháp cứng rắn đối với Triều Tiên khi nước này liên tục có những động thái liên quan tên lửa, hạt nhân, đe dọa tấn công Mỹ và đồng minh.
Mỹ cũng muốn Trung Quốc và Nga có những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm vào chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Căng thẳng trên biển Đông và biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với nhiều nước láng giềng, cũng có thể được đặt lên bàn nghị sự, bên cạnh vấn đề tội phạm mạng mà Mỹ ngày càng lên án Trung Quốc trong các tháng gần đây.
Chúng tôi tin rằng cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama rất quan trọng cho việc phát triển quan hệ Tần Cương - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc |
Hai tháng qua, ông Tập Cận Bình gặp nhiều quan chức cấp cao của Mỹ, gồm Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Martin Dempsey. Trong cuộc gặp với ông Kerry vào tháng trước, ông Tập Cận Bình mô tả quan hệ Trung - Mỹ “đang ở giai đoạn lịch sử mới và đang khởi đầu tốt”.
Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung - Mỹ tại Hội châu Á có trụ sở tại Mỹ, cho rằng, mục đích chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Mỹ là thắt chặt quan hệ giữa chính quyền hai nước, để từ đó hai phía thoải mái thảo luận và giải quyết nhiều vấn đề nóng.
“Thách thức cơ bản nhất là tìm ra cách cả hai phía tái đảm bảo mục tiêu lâu dài, đối với Mỹ là xoa dịu sự chỉ trích đối với chính sách chuyển trọng tâm sang châu Á, còn đối với Trung Quốc là bảo đảm Mỹ sẽ tìm giải pháp hòa bình cho nhiều tranh chấp biển đảo, đồng thời kiên định chính sách giải trừ hạt nhân ở Đông Á”, ông Schell nhận định.
Thăm Mỹ Latin, châu Phi
Ông Tập Cận Bình, 61 tuổi, có chuyến thăm Nga đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước, tiếp đó là thăm ba quốc gia châu Á. Trước khi tới California, ông Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm chính thức từ ngày 31/5 đến 6/6 tới ba nước Mỹ Latin gồm Trinidad & Tobago, Costa Rica và Mexico, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Thông báo cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc được đưa ra vài giờ sau khi ông Barack Obama hội đàm Tổng thống Myanmar Thein Sein, nhà lãnh đạo Myanmar đầu tiên thăm Nhà Trắng kể từ năm 1966.
Ông Obama khen ngợi Tổng thống Thein Sein đẩy mạnh cải cách chính trị và kinh tế Myanmar, nhưng cũng bày tỏ “lo ngại sâu sắc” trước làn sóng bạo lực chống lại người thiểu số theo Hồi giáo ở nước này. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Mỹ đang tìm cách “lôi kéo” Myanmar rời xa láng giềng Trung Quốc.
Ngày 21/5, Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Barack Obama sẽ thăm Senegal, Nam Phi và Tanzania từ ngày 26/6 đến 3/7, dự kiến gặp gỡ các nhà làm luật, lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự… Cả cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và George W Bush đều thăm châu Phi trong nhiệm kỳ hai của mình.
Bình Giang
Theo BBC, China Daily