Mỹ -Triều vẫn khác biệt về chuyện hạt nhân

Ông Pompeo bắt tay ông Ri Yong-ho tại hội nghị ở Singapore. Ảnh: Reuters.
Ông Pompeo bắt tay ông Ri Yong-ho tại hội nghị ở Singapore. Ảnh: Reuters.
TP - Mỹ và Triều Tiên tiếp tục tỏ ra có những “khác biệt” trong cách tiếp cận đối với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Đại diện ngoại giao Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã đấu khẩu với nhau về thỏa thuận đạt được hồi tháng Sáu liên quan đến việc chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Reuters nói phía Mỹ đã kêu gọi duy trì các lệnh cấm vận đối với Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng nói họ lập tức phải “báo động” trước ý định của Washington.

“Lớn tiếng”

Sự xung đột giữa đôi bên, xảy ra tại một diễn đàn khu vực đang được tổ chức tại Singapore là chỉ dấu mới nhất cho thấy sự khó khăn trong tiến trình đàm phán nhằm chấm dứt các hoạt động hạt nhân và tên lửa ở Bắc Triều, cho dù đã có những cam kết tại hội nghị thượng đỉnh giữa tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng Sáu.

“CHDCND Triều Tiên giữ lập trường vững chắc về ý định cũng như cam kết về việc thực hiện tuyên bố chung Mỹ-Triều có trách nhiệm  và thiện chí”, ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho nói tại Diễn đàn Khu vực ASEAN. “Tuy nhiên, điều đáng báo động là những động thái trong nội bộ nước Mỹ nhất quyết muốn trở lại thời kỳ trước, khác xa ý định của lãnh đạo nước này”, ông nói.

Ông Ri đưa ra lời bình luận này lúc ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã rời khỏi Singapore sau khi nhấn mạnh rằng các quốc gia ASEAN cần phải duy trì cấm vận đối với Bắc Triều cho đến khi nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân đang đe dọa nước Mỹ.

Hôm thứ Sáu, ông Pompeo nói các công việc thuộc chương trình hạt nhân và vũ khí của Triều Tiên vẫn được tiếp tục là mâu thuẫn với những cam kết của ông Kim về chuyện phi hạt nhân hóa. Nhưng đến thứ Bảy, ngoại trưởng Mỹ lại dịu giọng, nói ông lạc quan về tiến trình giải trừ vũ khí ở Bắc Triều, rằng việc này sẽ đạt được cho dù “tốn một số thời gian”.

Ngoại trưởng Ri nói Triều Tiên đã có những cử chỉ bày tỏ thiện chí, bao gồm việc tạm ngừng thử hạt nhân, phóng hỏa tiễn, tháo dỡ một bãi thử hạt nhân. “Tuy nhiên, Mỹ, thay vì hưởng ứng những việc làm của chúng tôi, lại lên giọng đòi duy trì cấm vận chống Triều Tiên và tỏ thái độ thoái lui ngay cả với việc tuyên bố kết thúc chiến tranh, một bước đi rất căn bản và chủ chốt trong việc đem lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên”, ông Ri nói.

Sớm đàm phán tiếp

Hôm thứ Bảy, ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói Washington coi mọi sự nới lỏng lệnh cấm vận là nghiêm trọng, coi việc Nga cấp thị thực cho lao động Triều Tiên là vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Trước đó, tờ Wall Street Journal(Mỹ) nói Nga đang cho phép hàng ngàn lao động Triều Tiên nhập cư vào Nga làm thuê. Phía Nga bác bỏ thông tin này.Ðại sứ Nga tại Triều Tiên cũng bác bỏ cáo buộc rằng Nga coi thường lệnh cấm của Liên Hợp Quốc, vẫn cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên.

Mặc dù ông Pompeo là nhân vật chủ chốt trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên, ông không có lịch gặp với ngoại trưởng Ri trong thời gian tại Singapore. Tuy nhiên, khi chụp ảnh chung với lãnh đạo các đoàn, ông Pompeo đã bước tới chỗ ông Ri và bắt tay. Bộ Ngoại giao Mỹ tường thuật lại rằng, ông Pompeo nói với ông Ri: “Chúng ta nên sớm tiếp tục hồi đàm”. “Tôi đồng ý, cần phải có nhiều hội đàm mang lại kết quả”, ông Ri trả lời, cũng theo Bộ Ngoại giao Mỹ, được Reuters trích thuật.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã quyết định cấm vận CHDCND Triều Tiên kể từ năm 2006 với mục tiêu chặn nguồn tài chính cho chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Theo lệnh cấm này, Triều Tiên bị cấm xuất khẩu than đá, thép, chì, sản phẩm dệt may và hải sản. Nước này cũng bị chặn đường nhập khẩu  các sản phẩm dầu thô và xăng dầu thành phẩm, Straits Times cho biết.

Hôm thứ Hai tuần trước, một quan chức cấp cao của Mỹ nói các vệ tinh do thám nước này đã phát hiện “hoạt động mới” tại một nhà máy, nơi Triều Tiên từng sản xuất  những tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên có thể vươn tới Mỹ.

MỚI - NÓNG