Theo Washington Post, một quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ khẳng định, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thực hiện các mức thuế nhập khẩu mới đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD sớm nhất là vào thứ Hai ngày 17/9. Điều này được cho là sẽ làm gia tăng căng thẳng vốn có giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới này.
Nhà Trắng cho biết sẽ công bố thông tin này vào thứ Hai hoặc thứ Ba (17 hoặc 18/9). Mức thuế cao nhất có thể là 25%, mức thấp nhất là 10%. Thời gian lắng nghe ý kiến của công chúng đối với chính sách thuế mới nhất của ông Trump đã kết thúc hồi đầu tháng, dọn đường cho tổng thống Mỹ áp dụng đòn tấn công thuế.
Những nhận xét từ mấy tuần gần đây của ông Trump trên mạng xã hội cho thấy, ông không muốn trì hoãn kế hoạch này, mặc cho nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ thúc giục ông Trump cân nhắc kỹ những tác động đối với người tiêu dùng, đặc biệt khi mùa nghỉ lễ và mua sắm đang đến gần.
Hiệp hội bán lẻ quốc gia và hơn 150 tập đoàn Mỹ đã viết thư cho Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer hồi đầu tháng, cho rằng, tiếp tục gia tăng các mức thuế trả đũa Trung Quốc chỉ càng làm tổn hại các lợi ích kinh tế của người Mỹ, trong đó có nông dân, các doanh nghiệp, công nhân và đông đảo người tiêu dùng.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump còn đe dọa sẽ tiếp tục áp đặt thuế đối với hàng Trung Quốc, cho rằng, nước Mỹ không chịu bất kỳ áp lực nào từ Trung Quốc. Thậm chí, Mỹ sẽ thu về hàng tỷ USD từ việc áp thuế này.
Bắc Kinh cũng đã đe dọa trả đũa bằng việc áp thuế 5% - 25% đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ vào Trung Quốc nếu Mỹ áp đặt mức thuế mới. Tính đến nay, Trung Quốc đã áp thuế trả đũa đối với 53 tỷ USDhàng hóa Mỹ, chủ yếu là nông sản. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc chỉ là 130 tỷ USD, nếu Mỹ áp dụng mức thuế mới với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc thì Bắc Kinh chỉ còn cách trả đũa các công ty Mỹ đang đầu tư tại Trung Quốc.
Lịch sử các cuộc chiến thương mại
Trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Washington đã nhiều lần tuyên chiến, với nhiều đối tượng. Tiền Phong điểm lại một số cuộc chiến thương mại tiêu biểu của Mỹ, được tờ Business Insider tổng hợp.
1.Smoot-Hawley, 1930
Bộ luật này được áp dụng trong thời kỳ Đại suy thoái, gây ra một cuộc chiến thương mại làm trầm trọng hóa nền kinh tế, cản trở sự phục hồi sau suy thoái. Luật này cho phép áp dụng các chính sách bảo hộ thông qua các khoản thuế nặng đối với hàng nhập khẩu.
2. Cuộc chiến thịt gà, 1963
Lần này Mỹ đánh thuế đối với thịt gà châu Âu để bảo vệ nông dân và các cơ sở chế biến thịt gà trong nước. Pháp và Đức đáp trả bằng cách áp thuế với hàng Mỹ và Washington leo thang bằng việc nhắm tới các mặt hàng khác như xe tải và rượu Brandy.
3. Cú đâm vào Nhật Bản, 1981
Giữa thế kỷ 20, Nhật Bản nổi lên thành một trung tâm xuất khẩu. Xe hơi Nhật tràn ngập nước Mỹ, tạo nên áp lực đến mức các nhóm lợi ích đã vận động để cho ra đời nghị định cho phép hạn chế bán xe Nhật tại Mỹ. Trong thời gian này, hai cường quốc kinh tế cũng đối đầu nhau về các mặt hàng khác như đồ điện tử, xe máy và thiết bị bán dẫn.
4. Chiến tranh gỗ, 1982
Mỹ và Canada nổ ra tranh cãi về thị trường gỗ xẻ bắt đầu từ năm 1982 và rồi cứ vài năm, tranh cãi này lại được khơi lên.
5. Tranh cãi mì ống, 1985
Mỹ không hài lòng với sản lượng cam quýt Mỹ vào châu Âu và áp thuế với các sản phẩm mì ống của Lục địa già. Châu Âu trả đũa, áp thuế với quả óc chó và chanh từ Mỹ.
6. Cuộc chiến chuối, 1993
Một cuộc chiến nông nghiệp khác, lần này liên quan đến chuối nổ ra sau khi châu Âu áp thuế với chuối của các nước Mỹ Latin. Nhiều công ty xuất khẩu chuối ở khu vực này lại thuộc sở hữu của người Mỹ. Họ kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới. Mãi đến năm 2012, mọi chuyện mới được dàn xếp.