Mỹ thông qua đề xuất luật của thiếu nữ gốc Việt

Mỹ thông qua đề xuất luật của thiếu nữ gốc Việt
TP - Vì không muốn mẹ mình ra đi vô ích, thiếu nữ gốc Việt Le Yen Chi hoạt động không mệt mỏi trong suốt 4 năm để giúp hệ thống vận tải công cộng an toàn hơn. Và đầu tuần tới, Tổng thống Mỹ sẽ ký để biến những đề xuất này thành luật.
Le Yen Chi (phải) cầm bức ảnh chụp mẹ cô - người thiệt mạng trong một tai nạn xe buýt cách đây 4 năm. Nguồn: Getty Images
Le Yen Chi (phải) cầm bức ảnh chụp mẹ cô - người thiệt mạng trong một tai nạn xe buýt cách đây 4 năm. Nguồn: Getty Images .

Le Yen Chi trông không giống một nhà vận động hành lang, và bản thân cô cũng không thích như vậy. “Đó là một hành trình rất dài. Tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm khi đề xuất đó được cả Thượng viện và Hạ viện thông qua”, Yen Chi nói.

Cô đến với thế giới chính trị đầy chông gai rất tình cờ, sau một tai nạn khủng khiếp. “Lý do duy nhất tôi làm những điều này chỉ là vì tôi không muốn cái chết của mẹ mình vô nghĩa”, cô giải thích.

Bà Catherine Tuong So Lam, mẹ của Yen Chi, qua đời ngày 8-8-2008 trong một tai nạn xe buýt ở TP Sherman, bang Texas.

16 người khác cùng đi từ nhà thờ ở Houston đến bang Misouri cũng thiệt mạng và hàng chục người bị thương khi tài xế mất lái khiến chiếc xe bị lật và lao sang bên đường. Chiếc xe buýt lộn nhào bị nát hết nóc xe, để rồi đưa Yen Chi rẽ sang một con đường hoàn toàn mới.

“Trước đó, tôi chưa từng đến Washington D.C. Và hành trình đầu tiên của tôi tới thủ đô là sau ngày ra đi của mẹ tôi 1 tháng”, Yen Chi kể. Từ đó, trong suốt 4 năm ròng cô tới Washington D.C. thêm 20 lần nữa.

Dự luật của Yen Chi được Thượng viện thông qua cách đây 2 năm, nhưng sau lại chết ở Hạ viện. Lần này, những quy định trong Đạo luật an toàn đối với xe buýt được đưa vào một dự luật rộng hơn về vận tải được cả hai viện thông qua hôm 29-6.

Theo đó, ghế trên các xe buýt phải có đai an toàn, mái chống bẹp, kính cửa sổ an toàn và hệ thống kiểm soát áp lực lốp xe. Những yêu cầu này nằm trong danh sách đề xuất cách đây nhiều thập kỷ. Ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ đề xuất lần đầu tiên vào năm 1968, rất lâu trước khi Yen Chi ra đời.

“Tôi cần làm bất kỳ điều gì có thể, dù có trường kỳ thế nào, để những điều tương tự không xảy ra với các gia đình khác,” cô chia sẻ.

Yen Chi gọi đây là việc lớn nhất trong đời mà cô đã hoàn thành, có thể ở góc độ cá nhân hay nghề nghiệp, và cũng là bài học cho những ai hy vọng làm nên sự đổi thay. Yen Chi hy vọng những giọt nước mắt của cô sẽ giúp người khác không còn phải khóc.

Dự kiến, Tổng thống Barack Obama ký thông qua dự luật này vào ngày 10 hoặc 11-7.

Gia Tùng
Theo KHOU 11 News, AP

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.