Trong một tuyên bố hôm thứ Hai (5/3), phát ngôn viên Lầu Năm Góc – Đại tá Robert Manning thừa nhận, cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd ở Afrin, biên giới phía bắc Syria, đã ảnh hưởng đến cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan IS trong khu vực, dẫn đến tình trạng “tạm dừng hoạt động”.
Tuy nhiên, ông Manning nhấn mạnh với báo giới, các cuộc không kích của Mỹ ở khu vực vẫn đang tiếp diễn. Ông Manning cũng khẳng định, bản chất sứ mệnh của Mỹ ở Syria không thay đổi, và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) vẫn là “đối tác chính” trên chiến trường Syria.
Giải thích rõ về điều này, Adrian Rankine-Galloway, một phát ngôn viên khác của Lầu Năm Góc cho biết, một số chiến binh hoạt động trong SDF, do Mỹ hậu thuẫn, đã quyết định rời bỏ các nhiệm vụ ở thung lũng sông Euphrates để chiến đấu ở nơi khác, trong đó có thể ở Afrin.
“Họ không chiến đấu với IS nữa, và về cơ bản điều này có nghĩa là họ không thể lấy lãnh thổ từ IS nhanh như trước đây”, người phát ngôn nói.
Trên RT, Daniel McAdams, giám đốc điều hành của Ron Paul Institute, nhận định đây là “một tình huống bất thường”, bởi lực lượng do Mỹ hậu thuẫn tại Syria, tức người Kurd, đã rời khỏi chiến trường mà Mỹ kiểm soát để chiến đấu với một đồng minh của Washington, đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ.
Đến nay, chiến dịch chống “khủng bố” Kurd mang tên Nhành Ô liu của Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo dài hơn 1 tháng, kể từ ngày khởi động 20/1, với mục đích tạo ra một “vùng an toàn” dài 30km ở tỉnh Afrin của Syria.
Hôm thứ Hai, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag xác nhận chiến dịch vẫn tiếp tục theo kế hoạch, sau khi Ankara bác bỏ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào ngày 24/2 yêu cầu ngừng bắn trên lãnh thổ Syria.
Theo Ankara, có ít nhất 2.795 “kẻ khủng bố” đã bị giết chết trong chiến dịch, FSA “giải phóng” được 147 địa điểm, bao gồm 3 thị trấn trung tâm, 112 ngôi làng, 30 vùng đồi và núi chiến lương, cùng hai căn cứ của Đơn vị Bảo vệ Nhân dân Kurd (YPG).